truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Chủ Nhật, tháng 8 10, 2008

Vì sao tôi cúng Phật?

Tôi năm nay đã gần cái tuổi “tri thiên mệnh”, ba chục năm cống hiến cho cách mạng, làm cán bộ nhà nước, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây tôi bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật, tôi bắt đầu đi chùa cúng Phật, nghe kinh các nhà sư tụng, tôi “ngộ” ra mấy điều:

-Giáo lý nhà Phật vừa duy tâm, vừa duy vật: Điều này đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến rồi. Tôi chỉ nói về trải nghiệm của bản thân. Tôi xuất thân từ một kỹ sư, thời trẻ được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, tư duy theo lối duy lý nhưng coi trọng lô gic. Thoạt nghe giáo lý của nhà Phật, thấy mung lung, nhưng sau lần giở những lớp lang triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo, lắng nghe các học giả tranh luận, tôi cảm thấy tư duy về vũ trụ của Đức Phật có nhiều điều phù hợp với khoa học hiện đại phương Tây. Điều mà phương Tây trăn trở vài ngàn năm thì Đức Phật đã thấy ngay từ thời của Ngài. Có điều khác là phương pháp tư duy để tìm đến chân lý của Đức Phật là xuất phát từ tâm, từ con người mà hiểu thế giới, còn khoa học phương tây đặt con người ra ngoài hiện tượng.
-Giáo lý nhà Phật góp phần lành mạnh hoá đời sống nhân sinh: Nếu một người chỉ chăm chăm tin vào sự vô thần, không nghĩ đến báo ứng, không biết đến sức mạnh tâm linh và siêu nhân, thì có thể làm bất cứ điều gì không đếm xỉa đến hậu hoạ. Đất nước Việt Nam là nơi truyền thống đa thần giáo, Phật, Nho, Lão đã từng chung sống hoà bình, Nhà nước ta đã tận dụng những yếu tố lành mạnh của các tôn giáo, nhưng dường như kho tàng Phật giáo còn rất tiềm tàng để khai thác, có thể góp phần vào công cuộc kiến quốc, an dân.
-Giáo lý nhà Phật có thể đem lại hoà bình cho cộng đồng, cân bằng cuộc sống cá nhân trong đời sống. Tôi có nhiều trải nghiệm trong vấn đề này. Trước kia, nhiều bạn bè tôi có quan niệm thẳng thắn quá đáng. Ví dụ, thường nóng nảy áp đặt ý kiến chủ quan cho người đối thoại, tìm mọi cách thực hiện kế hoạch của mình. Đức Phật dạy “không chấp”. Muốn không chấp người thì phải đặt mình ngang bằng người khác, tức là cũng phải không chấp mình. Không chấp mình tức là mình cũng phải xem xét mình tuỳ hoàn cảnh. Chữ Nhẫn có ý nghĩa tích cực là như vậy, chứ không phải Nhẫn nhục một cách ngu muội.
-Vào chùa, nhất là chùa Bắc tông miền Bắc Việt Nam, rất nhiều tượng Phật. Mỗi tượng Phật đều là hoá thân của một vị có thân thế, có tiền thân, lại có biểu tướng. Tức là tượng các vị nhưng chưa chắc có các vị thật sự. Có vị có tiểu sử bản thân nhưng khi lên tượng thì mỗi nơi một khác, chỉ là biểu tướng của vị ấy. Thờ cúng các vị ấy thực ra là thờ biểu tướng, tâm niệm cái ý nghĩa mà các vị có sứ mạng mang đến cho chúng sinh lĩnh hội. Tư duy nhà Phật như thế là uyển chuyển và rõ ràng. Không cần câu nệ cứ phải nhất nhất cái gì một con người cụ thể cũng đúng. Dù cho có các vị ấy trong cõi đời thực, thì mỗi vị cũng chỉ có một mặt tốt giúp chúng sinh mà thôi. Thực sự các pho tượng trong chùa là một biểu tượng đầy ý nghĩa về một điều chân thiện mỹ. Tượng chùa kết tinh giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá sâu sắc là vì thế. Vào chùa ngắm tượng các vị Phật, tâm trí không thể hỗn tạp sự đời ô trọc, tự nhiên bị cuốn theo giáo lý cao khiết của các vị, cũng là một việc có ích nên làm.
-Duy tâm cũng có mặt tốt: Trước kia, những người cách mạng thường thích được gọi mình là duy vật. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi cũng là người duy vật. Bộ môn Triết học tôi cũng được dạy ở trường đại học, rồi được nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Về mặt nhận thức vũ trụ, duy vật biện chứng góp phần không nhỏ cho tư duy khoa học của một thế hệ nhà cách mạng. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, đại đa số quần chúng thì không cần phải bắt buộc cứ phải duy vật biện chứng. Nhà nước ta bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng là như vậy. Do phương pháp tư duy xuất phát từ chính con người, duy tâm, “tại tâm”, mà Phật giáo đặc biệt thích hợp với phép dưỡng sinh, rèn luyện cơ thể. Môn Yôga có những thành tựu nhất định mà y khoa Tây phương còn nghiên cứu chưa giải thích được. Do duy tâm, mà con người biết rõ giá trị phép dưỡng sinh, thực ra từ đó có tình yêu cuộc sống rất mãnh liệt, chứ không phải những người tu hành là trốn đời. Cũng do phép dưỡng sinh mà con người biết phải sống hoà nhập với thiên nhiên, giữ gìn môi trường. Quan điểm này phù hợp đáng ngạc nhiên với trào lưu văn hoá hiện đại, điều mà các nước phát triển và Tổ chức Liên hợp quốc đang ra sức cổ vũ nhân loại thực hiện.
-Phật giáo Việt Nam chính là con đường lớn truyền thống dân tộc. Nếu chỉ đơn giản là một người yêu nước, thì ắt phải soi mình vào lịch sử, văn hoá dân tộc. Hình dung lịch sử dân tộc là một hệ thống đường, thì Phật giáo dĩ nhiên không phải là đường độc đạo, mà là con đường lớn nhất, bền bỉ nhất, xuyên suốt lịch sử văn minh từ thời có nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỷ X cho đến nay. Làm sao những triều vua Ngô, Tiền Lê, Đinh, Lý lại đuổi được các Thái thú Trung Hoa lập nên Nhà nước quân chủ trong khi bên cạnh có các Quân sư là các vị sư? Làm sao một dân tộc nhỏ bé có thể đánh thắng quân Nguyên Mông, trong khi từ vua đến dân là Phật tử? Phật giáo có vai trò như thế nào trong cuộc quật khởi chấn hưng dân tộc ấy? Đến khi Nho giáo có vai trò quan trọng như thời nhà Lê, Mạc, Nguyễn, thì Phật giáo cũng vẫn có sức sống, dung hoà kỳ lạ với Nho, với Lão. Đơn vị làng với những ngôi chùa vì sao vẫn trường tồn? Động vào lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam tức là phải xem xét đến sức sống của Phật giáo Việt Nam.
9/2007

Đọc thêm!

Vì sao tôi cúng Phật?

Tôi năm nay đã gần cái tuổi “tri thiên mệnh”, ba chục năm cống hiến cho cách mạng, làm cán bộ nhà nước, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây tôi bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật, tôi bắt đầu đi chùa cúng Phật, nghe kinh các nhà sư tụng, tôi “ngộ” ra mấy điều:

-Giáo lý nhà Phật vừa duy tâm, vừa duy vật: Điều này đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến rồi. Tôi chỉ nói về trải nghiệm của bản thân. Tôi xuất thân từ một kỹ sư, thời trẻ được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, tư duy theo lối duy lý nhưng coi trọng lô gic. Thoạt nghe giáo lý của nhà Phật, thấy mung lung, nhưng sau lần giở những lớp lang triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo, lắng nghe các học giả tranh luận, tôi cảm thấy tư duy về vũ trụ của Đức Phật có nhiều điều phù hợp với khoa học hiện đại phương Tây. Điều mà phương Tây trăn trở vài ngàn năm thì Đức Phật đã thấy ngay từ thời của Ngài. Có điều khác là phương pháp tư duy để tìm đến chân lý của Đức Phật là xuất phát từ tâm, từ con người mà hiểu thế giới, còn khoa học phương tây đặt con người ra ngoài hiện tượng.
-Giáo lý nhà Phật góp phần lành mạnh hoá đời sống nhân sinh: Nếu một người chỉ chăm chăm tin vào sự vô thần, không nghĩ đến báo ứng, không biết đến sức mạnh tâm linh và siêu nhân, thì có thể làm bất cứ điều gì không đếm xỉa đến hậu hoạ. Đất nước Việt Nam là nơi truyền thống đa thần giáo, Phật, Nho, Lão đã từng chung sống hoà bình, Nhà nước ta đã tận dụng những yếu tố lành mạnh của các tôn giáo, nhưng dường như kho tàng Phật giáo còn rất tiềm tàng để khai thác, có thể góp phần vào công cuộc kiến quốc, an dân.
-Giáo lý nhà Phật có thể đem lại hoà bình cho cộng đồng, cân bằng cuộc sống cá nhân trong đời sống. Tôi có nhiều trải nghiệm trong vấn đề này. Trước kia, nhiều bạn bè tôi có quan niệm thẳng thắn quá đáng. Ví dụ, thường nóng nảy áp đặt ý kiến chủ quan cho người đối thoại, tìm mọi cách thực hiện kế hoạch của mình. Đức Phật dạy “không chấp”. Muốn không chấp người thì phải đặt mình ngang bằng người khác, tức là cũng phải không chấp mình. Không chấp mình tức là mình cũng phải xem xét mình tuỳ hoàn cảnh. Chữ Nhẫn có ý nghĩa tích cực là như vậy, chứ không phải Nhẫn nhục một cách ngu muội.
-Vào chùa, nhất là chùa Bắc tông miền Bắc Việt Nam, rất nhiều tượng Phật. Mỗi tượng Phật đều là hoá thân của một vị có thân thế, có tiền thân, lại có biểu tướng. Tức là tượng các vị nhưng chưa chắc có các vị thật sự. Có vị có tiểu sử bản thân nhưng khi lên tượng thì mỗi nơi một khác, chỉ là biểu tướng của vị ấy. Thờ cúng các vị ấy thực ra là thờ biểu tướng, tâm niệm cái ý nghĩa mà các vị có sứ mạng mang đến cho chúng sinh lĩnh hội. Tư duy nhà Phật như thế là uyển chuyển và rõ ràng. Không cần câu nệ cứ phải nhất nhất cái gì một con người cụ thể cũng đúng. Dù cho có các vị ấy trong cõi đời thực, thì mỗi vị cũng chỉ có một mặt tốt giúp chúng sinh mà thôi. Thực sự các pho tượng trong chùa là một biểu tượng đầy ý nghĩa về một điều chân thiện mỹ. Tượng chùa kết tinh giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá sâu sắc là vì thế. Vào chùa ngắm tượng các vị Phật, tâm trí không thể hỗn tạp sự đời ô trọc, tự nhiên bị cuốn theo giáo lý cao khiết của các vị, cũng là một việc có ích nên làm.
-Duy tâm cũng có mặt tốt: Trước kia, những người cách mạng thường thích được gọi mình là duy vật. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi cũng là người duy vật. Bộ môn Triết học tôi cũng được dạy ở trường đại học, rồi được nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Về mặt nhận thức vũ trụ, duy vật biện chứng góp phần không nhỏ cho tư duy khoa học của một thế hệ nhà cách mạng. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, đại đa số quần chúng thì không cần phải bắt buộc cứ phải duy vật biện chứng. Nhà nước ta bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng là như vậy. Do phương pháp tư duy xuất phát từ chính con người, duy tâm, “tại tâm”, mà Phật giáo đặc biệt thích hợp với phép dưỡng sinh, rèn luyện cơ thể. Môn Yôga có những thành tựu nhất định mà y khoa Tây phương còn nghiên cứu chưa giải thích được. Do duy tâm, mà con người biết rõ giá trị phép dưỡng sinh, thực ra từ đó có tình yêu cuộc sống rất mãnh liệt, chứ không phải những người tu hành là trốn đời. Cũng do phép dưỡng sinh mà con người biết phải sống hoà nhập với thiên nhiên, giữ gìn môi trường. Quan điểm này phù hợp đáng ngạc nhiên với trào lưu văn hoá hiện đại, điều mà các nước phát triển và Tổ chức Liên hợp quốc đang ra sức cổ vũ nhân loại thực hiện.
-Phật giáo Việt Nam chính là con đường lớn truyền thống dân tộc. Nếu chỉ đơn giản là một người yêu nước, thì ắt phải soi mình vào lịch sử, văn hoá dân tộc. Hình dung lịch sử dân tộc là một hệ thống đường, thì Phật giáo dĩ nhiên không phải là đường độc đạo, mà là con đường lớn nhất, bền bỉ nhất, xuyên suốt lịch sử văn minh từ thời có nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỷ X cho đến nay. Làm sao những triều vua Ngô, Tiền Lê, Đinh, Lý lại đuổi được các Thái thú Trung Hoa lập nên Nhà nước quân chủ trong khi bên cạnh có các Quân sư là các vị sư? Làm sao một dân tộc nhỏ bé có thể đánh thắng quân Nguyên Mông, trong khi từ vua đến dân là Phật tử? Phật giáo có vai trò như thế nào trong cuộc quật khởi chấn hưng dân tộc ấy? Đến khi Nho giáo có vai trò quan trọng như thời nhà Lê, Mạc, Nguyễn, thì Phật giáo cũng vẫn có sức sống, dung hoà kỳ lạ với Nho, với Lão. Đơn vị làng với những ngôi chùa vì sao vẫn trường tồn? Động vào lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam tức là phải xem xét đến sức sống của Phật giáo Việt Nam.
9/2007

Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 10 07, 2007

giết chết tiếng Việt

Không bao giờ ngôn ngữ Việt dễ bị tổn thương như thời đại thông tin sôi động ngày nay.
Bật ti vi lên, nghe thấy người ta nói. Xem phim, xem truyền hình, nghe thấy người ta nói. Mở mạng Net ra, đọc thấy người ta... nói. Thử xét riêng về ngôn ngữ nói, có thể đã thấy tiếng Việt đang tàn tạ thế nào?
Nếu bạn thích bóng đá, bạn sẽ thấy tiếng Việt bị giết chết không thương tiếc.
“A bị phạm lỗi bởi B”, “Đường chuyền thông minh cho ABC thuộc về DEF...”. Dày đặc “bởi” và “thuộc về”. Sáng tạo nên những câu vô nghĩa: “mở tỷ số trận đấu’, “trận đấu chưa có tỷ số”, “tỷ số nghiêng về...”, chưa nói việc đọc tên riêng nước ngoài mỗi lúc một khác. Nếu một người Việt, chắc hẳn sẽ nói: “A bị B đá phạm lỗi”, “đường chuyền thông minh của DEF cho ABC” hoặc “đường chuyền thông minh cho ABC vừa rồi là của DEF”... Còn những lỗi do tư duy thì vô kể, ví dụ như “Nếu như A sút trúng cầu môn thì có thể đã thành bàn”. Cứ cấu tạo câu “Nếu... Nếu... “ như vậy thì có phải là lời bình nữa không. Những người dẫn chương trình khác cũng hiếm người có ý thức về tiếng Việt trong sáng, nhất là việc chuyển ngữ từ ngôn ngữ nước ngoài. Có phát thanh viên nói: “Cuộc thi Việt Nam Ai - đồ”, sao ngay từ đầu không đặt cuộc thi là “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam”. Hoặc thuyết minh phim ngoại, nhất nhất phim Trung Hoa hay Hàn Quốc, cứ cổ trang là “huynh, đệ” là “mẫu thân”, “phụ thân”. Phim Hàn quốc, rõ ràng diễn viên phát âm “mama” đầy âu yếm, nói chuyện ở nhà áo ngắn phòng ngủ, vẫn dịch “mẫu thân”... Nghe ti vi, rõ ràng thấy tiếng Việt nghèo nàn thảm hại, không thể chuyển tải hết sắc thái tình cảm của con người.
Gần đây, có nhiều bài báo kêu ầm ĩ lên về nguy cơ của “ngôn ngữ blog”. Có lẽ cũng lo nhưng ở đây vấn đề không đáng làm ầm ĩ thế, khác với ảnh hưởng của TV, vì blog chỉ lưu hành trong diện hẹp những người dùng mạng, vẫn chỉ là dạng ngôn ngữ viết thời thông tin mạng, tất yếu phải thế. Nó là một dạng ký hiệu rút gọn, sau rồi qua thời gian, ký hiệu nào sống bền, nó sẽ mang nội hàm mới, chuyển tải lượng thông tin mới. Chữ viết nào trên thế giới phát triển năng động cũng có rất nhiều chữ tắt kiểu như “OK” hay “Mc” của tiếng Anh. Trong vấn đề này, văn học có vai trò quan trọng, chính ngôn ngữ văn học sẽ nâng cao ngôn ngữ viết và ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ nói, chứ ngôn ngữ Blog sẽ thay đổi theo công nghệ nâng cao của mạng.
Lại có một loạt bài lăng xê cái gọi là “thư pháp Việt” nữa chứ. Đây mới là nguy hại cho chữ Việt hơn nhiều so với chữ trong blog. Bóp méo tiếng Việt, vẽ vời không đáng phải thế. Chữ Việt ghi âm, chứ đâu phải loại chữ tượng hình. Phải chăng báo chí là tòng phạm vô tình trong chuyện lăng xê những “nhà thư pháp”. Bệnh báo chí này giống bệnh của lớp trẻ, thích “nổ”, thích “vẽ vời” mà không biết cái mới nhiều khi vẫn là cái xấu, không phải là cái đẹp.

Đọc thêm!

Thứ Bảy, tháng 1 28, 2006

Bến sông trăng

-Con Rô dậy chưa?

Tiếng bà cô cười lảnh lót.

Hà nhìn thấy gương mặt bố trẻ trung, nữ tính. Hà bất giác đưa tay lên dụi mắt. Cử chỉ ấy thuở còn là con Rô, cô cố bỏ từ khi trở thành sinh viên vì bọn con gái truyền nhau điều răn làm thế sẽ gây toét mắt, rụng lông mi. Nhưng ngay lập tức, Hà thấy đó không phải là bố, mà là cô Huyền. Ai cũng bảo cô Huyền giống bố Hà. Giống cả cái cười, giọng nói.

Hà uốn éo trở dậy:

-Cứ về đây là cháu lại dậy muộn, hóa ra bao nhiêu năm thành phố không gột rửa được chân quê, cô nhỉ? Hay là tại đồng đất quê mình?
-Quê gì cô, quê nhà tôi không có rể Tây?- Cô Huyền mắng với giọng thánh thót, không ra giận.

-Cô, cháu đã nói nó chỉ là bạn bè thôi.

-Nó dậy rồi, chạy hùng hục suốt bờ sông. -Cô chỉ ra ngoài cửa.

Hà bật dậy. Bà cô nói, cô mới sực tỉnh hoàn toàn. Lần này Hà về quê, như mọi năm cô thường về nhà bà cô nghỉ hè. Một vài ngày, có năm một vài tuần. Nhưng năm nay có khác, Hà về muộn hơn, mùa hè đã qua. Và, điều đặc biệt nhất là lần này Hà dẫn theo một người khách. Đó là một anh chàng. Anh chàng cao cao mắt nâu, tóc nâu, nói tiếng Việt ngọng nghịu. Hà giới thiệu với cô đó là Biu Ma-thiêu, cứ gọi đơn giản là Bin.

Bin là kỹ sư nông học, anh đặc biệt thích thú cảnh làng quê Hà. Trời chớm thu, qua một tuần mưa rả rích. Sông vừa rút nước, bờ bãi như mới được rửa, phô màu tươi mới. Hai người lên khỏi bến đò, đi bộ khoảng gần một cây số trên con đê bao rồi mới rẽ vào cổng làng. Không chỉ Bin, mà Hà cũng chăm chú nhìn những vạt bãi vẫn còn phủ nấm bùn tươi nâu sậm. Và cô cứ thấy thiêu thiếu một cái gì? Hồi xưa, cữ này, bãi đâu có phẳng phiu sạch tinh tươm như thế kia. Chằng chịt trên bề mặt nấm bùn là dấu vết của cá lác, của cua cáy, chúng vẽ nên mặt bùn đang se khô dưới nắng một tấm bản đồ tự nhiên kỳ thú. Khi cô đến, chúng chạy rào rạo, có khi còn tung lên những giọt bùn vấy lên gấu quần cô. Giờ đây, cô đứng lặng, nhìn sông, nhìn bờ bãi. Sông vẫn nước rung rinh, nhưng bãi đã yên tĩnh như vạn vật thủy sinh vẫn còn đang ngủ. Đã có cuộc biến thiên hay là tại ký ức bao giờ cũng ấm cúng hơn, vui tươi hơn hiện tại; hay là bởi vì con người muốn giữ lấy thời gian mà không được.

Đoạn sông Khoai chảy qua làng cô bỗng hai bên bãi phình ra rất rộng. Bố cô bảo, các cụ đã chọn khúc sông này để lập nên làng Nành mình. Làng dựa vào sông mà sống. Sông nuôi làng trù phú quanh năm. Đồng đất làng Nành quá nửa là đồng đất bãi, bố cô kể, ngày xưa cụ Chánh Bụt đi lên huyện về, qua bãi bến sông để quên cái gậy gỗ bồ đề chống xuống đất, thế mà hôm sau đi tìm, đã thấy cái gậy mọc lá mầm xanh tươi. Từ đó cụ Chánh Bụt cho dời bến đến chỗ bây giờ, khoanh khúc bãi dài hai bên Đống Bồ Đề làm ruộng bãi nhất đẳng điền, đó là cổ tích huy hoàng của làng Nành. Khi Hà còn bé, cô đã thấy có một doi đất hơi cao hơn trên bãi, có ba bốn cây bồ đề rậm rạp, một mái đền nhỏ khuất trong tán lá thờ cụ Chánh Bụt. Khi nước lên, doi đất ấy trở thành hòn đảo bé tí, còn những cây bồ đề như là mọc từ dưới sông lên.

Hà tìm thấy Bin đang chạy trên đê, rồi lia máy quay ra phía doi đất Đống Bồ Đề. Bây giờ ở đó chỉ còn một cây bồ đề cổ thụ. Bin chỉ ra xa, nói:

-Đắp một con đập thì có thể biến bãi này thành một cái hồ nhỏ. Hồ nuôi tôm cá được mà đảo Bồ Đề trở thành rất đẹp, xây một cây cầu, thật là “thủy mạc”, rồi làm các công trình như bể bơi, nhà hàng…

Hà đứng yên lặng nghe Bin nói, nhưng tâm trí của cô để đâu đâu… Hiện đại hóa làng Nành, có lẽ sẽ phải như vậy. Bin quay phim cứ quay, cô thấy cũng là hay. Cô sẽ bảo Bin sao cho một cái đĩa làm kỷ niệm…

Mọi người qua lại, Hà đều chào. Cô đi khỏi làng lâu rồi, nhưng về làng nề nếp không thể bỏ. Có người quen, có người không quen, nhưng đi trên đê này thì hầu như không có người làng khác, phải chào chứ không thể khác. Bin thích thú chào theo. Người làng được một ông Tây chào lại cũng thích, ai cũng tươi cười vui sướng.

-Định làm gì đấy hả Hà?

-Nghe nói Liên hiệp quốc cho làng ta dự án hả cô?

-Chuyến này về lấy chồng nhá...?

Mỗi người một câu gọi là chào lại. Tính người làng cô vốn vậy, bộc trực chả để bụng điều gì. Người nói nhiều mà giữ gìn nhiều điều huyền bí nhất có lẽ chỉ có cô Huyền. Đến nói cô ấy cũng hay lý sự. Ví như chuyện trai làng Nành cấy cầy, đánh lưới, còn gái làng Nành thì lại chuyên cua cáy, trai ốc thì bà cô Huyền bảo: “Con gì bơi lội tung tăng là của các ông, con gì chui rúc là phần chúng tôi. Phận đàn bà nó vậy”.

Bố cô lại nói: “Cá mú chỉ ăn vèo một cái là hết. Cua cáy trai ốc mới có vị, mắm miếc nhớ lâu. Gái làng Nành đắt chồng chỉ vì cái vị mắm cáy, chú ấy phải ở rể cũng là vì mắm cáy”.

Cô Huyền hay cười, lúc nào cũng tươi tắn. Thế mà hôm đám tang bố Hà, cô ấy khóc nhiều kinh khủng. Cô Huyền đứng lên lại ngã xuống, gào thét mãi đến khi khản đặc cả tiếng. Cuối cùng, sau khi bố đã an phận, Hà quay ra lại phải an ủi bà cô. Hà đã cố bấm lòng, tự bảo mình phải cứng rắn lên, thế mà khi bà cô nấc lên, nói giọng khào khào: “Anh ơi, anh đi rồi, ai nếm mắm cho em. Ai biết mắm nào ngon, nào dở…” Thì Hà lại khóc òa không kìm được. Chỉ có Hà, đứa con của làng Nành mới thấu hiểu nỗi lòng thật thà đến độ quê kiểng cơm canh mắm muối như thế.

Hà lại như nhìn thấy bà cô mỗi khi “ngả” một lượt mắm là gọi bố Hà sang. Những cái chum đất nhỏ xếp hàng sẵn, miệng chum chỉ vừa lọt cổ tay người lớn. Ông bố Hà đi một lượt. Đầu tiên ông không nếm ngay mà cúi xuống, khẽ mở hé nắp, hít hà tận miệng chum, rồi chỉ từng cái chum, bảo bà cô cái nào ngon nhất, cái nào dở nhất. Có khi cô Huyền cầm sẵn viên phấn, đánh số vào từng vai chum. Sau đó, dường như để kiểm tra khứu giác của mình, ông mới dùng đến vị giác. Mỗi chum, ông cầm một chiếc đũa tre chấm xuống, rồi rất nhanh đưa lên môi, mút nhẹ vào đầu đũa. Chậm rãi, đủng đỉnh, ngâm nga, gật gù… Trông ông thư thái như là quên mọi sự đời, tận hưởng lạc thú gì ghê lắm. Hà không biết bao nhiêu lần khúc khích cười, đều bị bà cô đuổi chạy ra xa. Lạc thú gì? Chỉ là vị mắm nồng nồng.

Bà cô hỏi:

-Bác thấy thế nào?

-Cái này được- Bố Hà chỉ vào một chum-Nhất hạng thì nó phải thế. Tê tê đầu lưỡi, lắng nghe thấy cả vị ngọt.

Hà chạy ngay đến, chấm một tay vào bát mắm bà cô vừa múc ra. Tê đâu mà tê, ngọt đâu mà ngọt?

-Em cũng đoán thế- cô Huyền nói.

-Cô cứ làm theo cách của tôi, nhờ ruồi tìm hộ, công hiệu lắm.

-Em không làm theo bác được.- Cô Huyền lắc đầu quầy quậy.

Làng Nành làm mắm cáy cả làng, nhưng bao giờ mắm cô Huyền cũng ngon nhất. Người ta làm mắm ăn quanh năm, mang biếu bạn bè, người thân nơi khác, gần đây mới làm để bán. Cán bộ huyện hay xuống tận làng Nành mua mắm đi biếu, toàn lấy mắm của cô Huyền.

Tối qua, Bin ăn rau muống chấm với mắm cáy, cứ gật gật:

-Ngon lắm. Đặc biệt lắm.

Cô Huyền bảo:

-Thịt, sữa nước anh cả thế giới đều ăn. Mắm cáy thì chỉ có làng Nành.

Bin bảo:

-Không, rồi đây thế giới cũng ăn mắm cáy làng Nành chứ. Thế giới hội nhập kinh tế toàn cầu. Cũng như cô ăn xúc xích Đức thôi.

Bà cô cười không ra tiếng. Hà biết điệu cười ấy là bà cô chả tin một chút nào.

Bin chợt ngẩng lên, bảo:

-Nhưng cháu chưa nhìn thấy xưởng người ta nuôi cáy?

Lúc này thì bà cô của Hà cười thật sự. Cười sảng khoái. Đang ăn mà bà bỏ bát đứng lên để cười, rồi uống một ngụm nước rau muống luộc. Trước khi uống, cô Huyền còn cẩn thận nhỏ vào đó một tý teo mắm cáy.

Bà Huyền hỏi:

-Anh có muốn làm rể làng Nành không?

-Ô- Bin ngạc nhiên- Nếu chỉ cần cô hỏi chuyện ấy cho cháu gái, thì cháu đồng ý rồi.

Hà xua tay:

-Đừng tưởng bở, cô ấy nói đùa anh đấy.

-Đến mùa cáy thì tôi gả nó cho anh.- Bà Huyền nói, vẻ nghiêm trang của bà khiến cho Hà im thít. Đó chắc không phải đùa.

Cô Huyền chỉ ra hướng sông, nói nhỏ:

-Bãi sông xưa cáy nhiều vô kể. Một cái thuổng trên tay, một cái giỏ bên hông, bao nhiêu đời nay, việc bắt cáy của đàn bà con gái làng Nành đại để như mọi nơi ra vườn hái rau dại vậy thôi. Thế mà bây giờ, đến câu cáy như hồi cách đây mấy năm cháu về nhìn thấy đấy, cũng không còn mấy người. Người khôn người sinh sôi, cáy đi đâu cả…

**

Chiều hạ tuần, một góc trời vàng óng, không khí cũng màu vàng ươm, từ ban công tầng ba nhà cô Huyền có thể nhìn thấy sông như một tấm gương lấp lánh màu đồng. Gió lồng lộng. Gió mang mùi hoai hoai của rơm rạ mốc sau mưa. Bin đang lắng nghe chuyện của Hà.

Hồi xưa, tầm chiều này con Rô hay ngồi ở cửa, đón các chị, các cô đi đào cáy về qua. Các bà ấy tranh nhau cho Rô con cáy cụ to nhất, mai gần bằng mai cua, còng đỏ tía. Các bà ấy bảo: Gặp con Rô là y như may mắn. Bố lấy sợi chỉ, buộc con cáy cho Rô cầm dắt đi, giả vờ làm người chăn trâu. Chiều nào cũng chăn trâu như thế…Khi người lớn không gọi Hà là con Rô, thì Hà cũng không chơi chăn trâu bằng cáy nữa, mà chăn trâu thật. Nhưng lúc đó thì làm cáy, giã cáy cho cô Huyền làm mắm. Cô Huyền quý Hà vì tính tỉ mẩn, không ngại làm. Phải xé mai cáy ra, bóc yếm đi, khều lấy gạch. Nhưng vui sướng nhất là thỉnh thoảng bất ngờ gặp được con cáy ôm trứng. Trứng cáy cho vào cái trôn bát, làm thành bánh, phơi khô, coi như của hiếm để dành. Ôi, hương vị của nó thì tuyệt trần, không thể tả được đâu.

Nhưng có lẽ thời của người đào cáy bằng thuổng đã qua rồi. Hồi cách đây mấy năm, Hà mới tốt nghiệp đại học, về nghỉ hè dài với bà cô, Hà đã thấy cảnh người ta câu cáy. Không thể tả được cô choáng váng đến thế nào…

Hôm ấy, Hà lên phơi quần áo trên sân thượng, bất ngờ nhìn thấy những hình người lạ lẫm ở bãi sông. Những hình người, mà dường như là tượng. Bởi vì đó là những dáng đứng hoàn toàn bất động. Cô căng mắt nhìn. Cuối cùng cũng thấy một bên tay có cử động. Đó là người chứ đúng là không phải tượng. Hà gọi cô Huyền:

-Cô ơi, họ làm gì đấy?

-ồi, câu cáy đấy…

-Câu cáy?

-Chứ sao. –Cô Huyền nói giọng xa xôi- Đời cô chỉ thấy người ta đào cáy, câu cá. Bây giờ thì đấy, câu cáy. Bởi vì bây giờ cáy ít, lại không ở mà như xưa, cáy cũng khôn hơn hay sao ấy, đào cả buổi chả bắt được mấy con.

Hà đã ra đến gần nơi những người câu cáy. Có nhiều người không phải ở làng Nành. Họ đứng gần như bất động. Tay phải cầm cái que như cầm cái đũa dài và chỉ có cổ tay lắc nhẹ. Lắc một cái rất nhẹ, lưỡi câu có con cáy ôm mồi đã vung lên rơi trúng vào vị trí tay trái đón lấy, rồi cũng ngoáy nhẹ cổ tay trái, con cáy đã tọt vào cái giỏ đeo bên hông rồi. Có nhiều khi con cáy rơi ra, thì cũng rơi đúng tầm cái miệng giỏ. Một thao tác điệu nghệ, không thừa, không thiếu. Hà cảm thấy một sự thán phục những nguời câu cáy mà lòng buồn rười rượi. Bờ bãi bắt đầu đang hiếm cua cáy tôm cá. Con người mưu sinh phải đến độ dụng công thế ư? Hôm ấy, cô đã ngồi đăm đắm nhìn ra sông, tiếc những chiều êm ả có những đám người đào cáy mà thân thiện với đồng đất bãi…

Bin lắng nghe câu chuyện của Hà. Đôi mắt nâu ưu tư nói với cô rằng anh ta thấu hiểu. Anh ta đến từ một thế giới khác, có cách lý giải mọi sự khác với Hà, diễn đạt khác, sự đồng cảm chỉ tìm thấy trong ánh mắt. Cũng như việc hôm qua cô Huyền ngả mắm…

Những cái chum nhỏ đựng mắm đậy rất kín. Trước kia, bao giờ gần đến ngày “ngả” mắm, cô Huyền cũng mở ra một lượt, “thăm” mắm. Cô Huyền nói:

-Hồi còn bố cháu, cô không phải làm thế này, cứ ủ kín một mạch…- Bà cô thừ ra, chắc nhớ đến bố Huyền- Thôi ra ngoài kia chơi.

Cô không cho mọi người xem cô làm thế nào. Lúi húi một mình làm mọi việc, rồi vần từng chum ra để vào chỗ thoáng nhất.

Hà còn nhớ, lần đầu tiên cô nhìn thấy những sinh vật trắng trắng như hạt tấm động cựa trên bề mặt tấm ni lon bao đậy làm nắp chum. Cô rùng mình. Đó là những con dòi biến thái của loài ruồi. Cô kêu toáng lên: “ối cô ơi”. Nhìn sang mấy cổ chum khác, có chum nhiều, có chum ít, có chum sạch tinh tươm.

Bà cô chạy đến, mặt nghiêm lại:

-Sao cháu vào đấy làm gì?

-Cháu xem…

-Mặc kệ cô. Đi ra.

Nhưng Hà đã nhìn thấy. Cô Huyền lặng lẽ xem xét từng cái chum, quan sát rất cẩn thận, rồi cầm viên phấn đánh số vào từng chum. Cô không có vẻ gì là bất ngờ hay kinh hãi. Rồi sau đó, cô lấy cái chổi nhỏ quét sạch cẩn thận từng cái cổ chum. Bà cô múc nước mưa, thận trọng rửa sạch sẽ bên ngoài từ vai lên đến miệng chum. Rồi, bà nhẹ nhàng bóc từng lớp bao nút, khẽ mở nắp ra.

Hà cúi xuống. Hình ảnh những con dòi lúc nãy vẫn khiến Hà cảnh giác. Nhưng rồi cô quên hết, sực lên một hương thơm nồng nồng của vị mắm cáy quen thuộc. Một thứ hương tinh khiết không thể nào chịu được, khiến cho tuyến nước bọt và tuyến dịch vị phải làm việc ngay lập tức. Cô thấy miệng mình dính dấp, ruột gan cồn cào muốn ăn ngay. Hà quan sát cẩn thận phía bên trong miệng chum. Sạch tinh tươm. Cô chỉ thấy màu nhung mịn của da sứ, của hơi nước báo hiệu rằng đã phủ một lớp màng mỏng ẩm từ rất nhiều ngày, từ ngày ướp cáy.

Hà đinh ninh rằng đợt ngả mắm ấy chỉ là một sự cố đến nỗi có dòi phía ngoài chum, nhưng lần sau, lần sau nữa, những con dòi vẫn cứ xuất hiện không tránh khỏi. Hà quen dần. Quen dần cảm giác khi nhìn thấy những sinh vật trắng tinh li ti ấy xuất hiện. Quen dần với cung cách xem xét, lọc lựa đánh số những cái chum nhỏ. Bởi vì mắm cáy cô Huyền vẫn cứ ngon nhất làng Nành. Hà chỉ lờ mờ nghi ngờ rằng hình như cô Huyền cố tình làm thế. Bà cô này tuy hay lý sự, nhưng cũng là một bà già nông thôn, mê tín từ chân tóc. Rụng tóc, nhện sa, máy mắt, cáy ít cáy nhiều… bà đều cho là điềm trời.

Hôm qua, cô Huyền bảo:

-Mai cô ngả mắm…

Hà khúc khích bảo:

-Cách truyền thống hả cô?

Bà cô cười:

-Bây giờ, đến ruồi cũng chẳng còn…

Bin nghe cô cháu nói chuyện với nhau rất chăm chú nhưng không nói gì cả.

Khi bà cô ngả mắm, Hà cố tình rủ Bin đi chơi, nhưng Bin lắc đầu:

-Anh xem cô cho ra sản phẩm mới.

-Sản phẩm nào?- Hà trố mắt ngạc nhiên.

-Hôm qua cô Huyền nói cho anh quy trình làm mắm rồi mà, hôm nay là…

-Ngả mắm- Hà tiếp lời.

-Đúng rồi- Bin gật.

-Anh đừng xem, việc của cô ấy.

Nói mãi Bin vẫn cương quyết đòi ở nhà xem cô Huyền ngả mắm. Hà đành ở lại cùng Bin.

Trong thâm tâm Hà dấy lên niềm áy náy không yên. Thoạt đầu, Huyền đã hơi yên tâm. Gian nhà để những chum mắm sạch tinh tươm, loáng thoáng mới có một con ruồi. Sự lạ này là dấu hiệu tiến bộ của làng Nành. Nhưng khi cô Huyền bắt đầu xem xét những cái bao nắp, Hà vẫn nhìn thấy trên đó xuất hiện những sinh vật nhỏ tí, màu trắng, nhìn kỹ mới thấy chúng đang cử động. Hà vội nói với Bin:

-Trông thế thôi, chúng chỉ có ở bên ngoài thôi mà.

Bin giơ tay ra hiệu, khiến cho Hà không dám nói gì nữa. Anh ta cũng cúi xuống xem xét, quan sát rất chăm chú. Một người đi du lịch không có thái độ ấy. Hẳn là máu chuyên môn nông học đang khiến anh ta mê mải?

Bin quan sát cô Huyền đánh số chum, rồi làm sạch bên ngoài từng cái chum. Bàn tay cô tỷ mẩn dùng chổi lông mềm quét từng nếp gấp của bọc ni lông, rồi khẽ khàng dùng một vòi nước, tia rửa toàn bộ phần bên ngoài. Điều này là mới đây, hồi xưa cô phải múc nước bằng gáo dừa, bây giờ cô chạy bơm xè xè, ống cao su nhỏ, chùm tia nước xối mạnh…

Đến khi cô Huyền mở từng chum, cô dùng cái gáo nhỏ bằng ống nứa, khẽ nhúng xuống chum mắm, ngoáy nhẹ rồi nhấc lên. Bà cô hít hà hơi mắm, rồi mới dùng thìa nhỏ múc một tý tẹo, nếm. Bà đưa lại cái gáo nứa cho Bin, Bin cũng làm y như thế. Anh ta nhấm nháp, nếm láp trang trọng, cẩn thận, lắng nghe như là tìm kiếm âm thanh nào từ trong cái gáo mắm ấy.

-Anh có thấy chúng khác nhau không?- Cô Huyền nói rồi chỉ từng chum một.

-Có thấy. Cái này hơn nhất- Bin chỉ từng cái chum- cái kia cuối.

-Khác thế nào?

-Chỉ biết thế, không nói được rõ ạ…

Cô Huyền cười tươi vui:

-Anh thật thà đấy. Anh làm người làng Nành được.

Hai người nói chuyện với nhau, coi như bỏ mặc Hà.

*

Hai người đi ra đê. Bóng tối mịn màng bao phủ xóm làng. Nhưng vạn vật lại đang như là tỏa ra một thứ ánh sáng huyền bí. Bến nước hiện ra trước mặt. Bừng lên màu trắng bạc loáng ướt của dòng sông. Hà đi đến gần, đăm đắm nhìn ánh trăng đang đùa nghịch trên mặt nước. Bin chỉ tay:

-Trăng...

-Trăng lên- Hà nhắc- Hôm nay tầm này là trăng treo.

-Bài hát về ông trăng- Bin gật rồi lẩm nhẩm- Hôm nay lịch trăng là mười sáu?

-Âm lịch là mười sáu.

-Ô, hiểu rồi, mười sáu trăng treo- Bin kêu lên- Nhưng mười bảy sảy giường chiếu, mười tám rám trấu… là thế nào?

-Ôi, anh này…- Hà cười sung sướng- Biết giảng cho anh thế nào bây giờ. Mà nông thôn làng Nành bây giờ cũng chả sảy giường chiếu vào lúc ấy nữa.

-Nhưng cũng có thể biết chứ? –Bin nghiêm nghị- Như cô Huyền đo mắm chứ gì?

Hà ngẩng lên, thấy ánh mắt người đàn ông không còn xa lạ, mà lấp lánh phản chiếu bến nước làng Nành. Bin hào hứng giảng giải:

-Trong phòng thí nghiệm của công ty anh ở Đức, người ta đã nuôi hàng chục loài ruồi, thí nghiệm khả năng chữa trị vết thương của ròi. Một đặc tính đặc biệt là chúng có thể phân biệt mùi vị ở mức rất nhỏ. Thật lạ là cô Huyền dùng chúng để phân loại từng chum mắm…

-Thật ư?- Hà tròn xoe mắt.- Em cứ thắc mắc tại sao cô Huyền làm thế.

-Nhưng mà cô ấy không có phương tiện đo gì khác, mà chỉ bằng… -Bin ngắc ngứ tìm từ.

-Kinh nghiệm?- Hà nhắc.

-Không. Linh cảm. Đó là linh cảm đặc biệt của bà già đồng đất nhà quê. Kỳ lạ thật.

-Tiếng Việt của Bin khá nhiều rồi đấy.

-Chưa khá đâu. Chưa biết mười bảy sảy giường chiếu là gì mà- Bin cười vô tư chân thật.

Trăng trung tuần tỏa sáng trong vắt. Không khí mơ hồ, không gian như tự giãn nở, vạn vật bỗng chốc âm u, mờ tỏ. Hai người đi trên đường đê hướng đến bến sông. Chỗ này có lúc ban ngày Bin đã quay vi đê ô, hình dung một dự án đắp đập làm hồ… Bây giờ Đống Bồ Đề nổi lên u uẩn như một cái đầu của một con người khổng lồ đang ngoi lên từ sông nước. Bin bỗng nói:

-Mình nghĩ kỹ rồi, bãi sông này để cho con cáy sinh sôi?

-Không làm dự án du lịch làm cầu, làm nhà hàng nữa hả?

-Vẫn làm… Nhưng là dự án con cáy. -Bin bỗng nhìn Hà, mắt đầy ánh trăng- Cô Huyền bảo anh làm người làng Nành được đấy.

Bin nói tiếp:

-Rồi sẽ có những mùa cáy...

Hà im lặng. Cô thấy mình bị chìm đắm trong dòng sông trăng này, cố giấu cái giật mình thảng thốt như con cáy đang tìm một cái mà ẩn nấp nơi bãi sông quê.
Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 10 31, 2005

Dòng nước

Lát nữa, đứa em họ mà từ trước đến giờ Hoà mới chỉ nhìn thấy trong “webcam” sẽ từ trên trời đáp xuống. Nó sẽ hiển hiện thật sự đến bên anh. Hoà đứng dõi mắt về phía đường băng, lòng bồi hồi và hơi hoang mang.
Trước khi Hoà trở thành sinh viên, mối quan hệ giữa bố và người chú ruột hầu như không mấy động chạm đến Hoà. Hoà chưa bao giờ gặp chú ấy. Tấm ảnh một đứa bé tám tuổi cách đây nửa thế kỷ không thể gợi cho Hoà cảm giác gì về chú giờ đây đã là một ông già như bố. Bà trẻ kể:

-Khi ông nội cháu còn ở chiến khu, chưa tiến về thủ đô, thì bà nội cháu đã mang chú ấy di cư vào Nam.
-Sao mọi người ít nói đến chú thế hả bà?
-Chú ấy đi lính, là sĩ quan chế độ Sài Gòn, sau năm bảy lăm, có đi cải tạo một vài năm. Rồi sau đó vượt biên luôn, giờ ở Mỹ. - Bà trẻ cũng chỉ nói về chú rất vắn tắt và có phần thương cảm.- Cũng vất vả chứ không sung sướng gì. Khổ cái tâm.
Có lẽ, mối quan hệ ấy cứ mờ nhạt đi, nếu không có một hôm, một bà già xuất hiện ở nhà Hoà…
Linh cảm mách bảo Hoà đó là bà nội. Bà tóc bạc trắng, nếp nhăn nhiều dù cho son phấn rất khéo cũng vẫn lộ rõ. Gương mặt bà có phảng phất nét mặt trầm tư của bố. Bà dè dặt chào mọi người, nhưng khi gặp ông, trên khoé mắt bà hiện lên ngấn lệ. Bà nói:
-Già quá rồi. Tôi tính về đây để chết.
Ông lặng lẽ cười, điềm đạm bảo:
-Bà cứ về mà sống vui…
Bà kể:
- Đến đâu rồi cũng phải quen đấy. Canada đồng cỏ hun hút. Buồn.
Nhưng rồi ở chơi ít ngày, bà vẫn ra đi mà không ở lại. Bà bảo cả nhà:
-Tôi biết tôi chưa thể chết được. Con với cháu mình ngược xuôi làm ăn không cho tôi đi đâu, dù cho lâu lâu mới gặp chúng nó một lần. Nhất là ngày giỗ tết, thì chúng nó ở Mỹ ở Anh cũng về. Mình còn ngồi đấy là chúng còn gốc gác, chứ không rồi tản mát hết…
Bà lại rưng rưng nước mắt. Ông gật:
-Phải đấy. Chúng nó cần bà…
Hoà cũng xúc động. Nếu như mình bị tan biến giữa trời đất khác, tiếng nói khác, thì sẽ thế nào? Bà chăm chú nhìn Hoà hồi lâu, rồi bảo:
-Con Hoa cũng cỡ tuổi cháu Hoà...
Chính nhờ bà mà Hoà đã liên lạc được với cô em họ. Chỉ cần một cái “nickname” để hẹn nhau lên mạng là hai người đã có thể “chat” với nhau. Internet quả là một thế giới toàn cầu trẻ trung, kỳ ảo. Xa xôi mà thật là gần gũi. Có thể nhìn thấy nhau chả khó khăn gì. Một cô gái có nét mặt thanh tú, thoạt nhìn có thể là trầm tĩnh, nhưng khi cười thì rất xinh tươi. Hai anh em nói với nhau nhiều chuyện, bằng bàn phím, bằng thứ ngôn ngữ “chat” ngắn gọn hiện lên màn hình. Cô đã kể cho anh cuộc sống của cô. Đôi lúc lại hỏi anh có tưởng tượng được không?
-Em đã lái xe đi học mấy chục cây số mỗi ngày
-Anh ở ký túc xá đi bộ lên giảng đường.
-Sướng thế. Làng quê mình thế nào hả anh?
-ờ, thì cũng núi non, sông, cánh đồng… Nói chung chắc là đâu cũng giống nhau cả thôi. Chỉ có con người là có khác.
-OK, con người, chính là nhờ con người sống ở một mảnh đất làm nên những nền văn hoá.
-Nhà anh cấy vài sào lúa…
-Là bao nhiêu ki lô mét vuông?
-Một sào 360 mét vuông.
-Ôi, không thể tin được. Quá nhỏ bé. Anh có tưởng tượng được không, bên này người ta bón phân phải rải bằng máy bay.
-Mùa này thu hoạch lạc, ông rất thích rang lạc cả vỏ. Từ bao năm nay, tối anh học khuya, vẫn thấy ông vừa nhấm rượu vừa bóc lạc lốp bốp.
-Bóc lạc thế nào?
-Em định hỏi…?
-Em thấy hạt lạc trong siêu thị, màu đỏ, mềm…
-Đó là hạt lạc, ông thích lạc rang cả củ, còn vỏ.
-Uh, em đâu có nhìn thấy củ lạc.
-Ô… Thế cây lạc, em biết không?
-Không. Em đâu có biết.

Chuyện quê, chuyện cuộc sống, rồi đến chuyện tuổi trẻ.
-Em đã yêu ai chưa?
-Có. “Six”.
-Sao?
-Em yêu sáu người đàn ông rồi.
-Ô… Cùng lúc hả?
-“No”, lần lượt.
-Hơi nhiều.
-Hiện nay em đang sống với “my boyfriend”, cũng là dân mình làm ở một sàn giao dịch chứng khoán.
-Sao bà bảo em chưa có gia đình?
-Sống… thử thôi, chưa biết có OK không. Em có tự do của em.
-Quá tự do.
-Khả năng tình dục của anh thế nào?
-Gì thế?
-Tình dục. Anh thích loại nào?
-Anh chưa từng yêu ai.
-Kỳ quá. Em không hiểu (trên màn hình hiện ra một cái mặt nạ biểu lộ sự kinh hãi). Vậy thì anh phải đi khám bác sĩ, có thể anh bị bệnh gì, em coi hình anh khoẻ mạnh thế cơ mà?
-Ôi trời ơi… Anh có gien từ ông đến bố, sẽ đẻ nhiều con, những đứa con khoẻ mạnh, ương bướng như bố em, khí phách như bố anh.
- (một cái mặt nạ cười toàn răng toe toét) Bây giờ ít có người muốn đẻ nhiều, “sex” là vấn đề của con người hiện đại…
Chỉ đến khi nói chuyện học hành, hai người mới hiểu nhau nhanh chóng. OK liên tục. Cả hai đều học kỹ thuật. Toán học, vật lý học và kho tàng tri thức của nhân loại thì ở bất cứ đâu cũng dùng những ký hiệu như nhau…
*
Máy bay kềnh càng đã bò trên đường băng hướng về phía nhà ga. Hoà nhớ lại một buổi “chat” dài đột xuất với cô em họ. Đó là ngày mà hai chiếc máy bay như thế này đâm vào toà nhà tháp chọc trời New York. Hoa có vẻ xúc động mạnh. Họ đã nói chuyện với nhau về chiến tranh.
-Anh biết chiến tranh hả?
-Trong ký ức của anh, chiến tranh là mùi đất ẩm mốc của căn hầm chữ A hồi sơ tán. Tóm lại anh không trực tiếp… Nhưng biết.
-Làng mình có bị bom không?
-Bom đã phạt rặng tre tơi tả, làng hiện ra dưới bầu trời mất hẳn vẻ ấm áp, lúc ấy anh thấy hoang mang.
-Bây giờ em đã thấy chiến tranh ở trước mũi mình, rất khác những gì anh nói. Không thể tưởng tượng được toà nhà ấy lại sụp xuống như vậy. Có lẽ em phải làm một cái gì…
-Ông nội và bố anh cũng đã đi bộ đội.
-Em cũng biết bố em cũng có thời chiến binh, nhưng mà ổng đâu có kể gì về thời đó với em. Em không thể hiểu họ đã ở hai phía bắn nhau?
-Đó là lịch sử.
-Mai em sẽ vào thư viện để tìm hiểu về lịch sử, về chiến tranh. Khó có thể cắt nghĩa được. Đa số con em mình bên này đều lao vào kỹ thuật và tránh xa các ngành xã hội học. Tâm lý phi bản xứ và tha hương bao giờ cũng như sợi dây xiết chặt trên đầu họ.
-Đó là cái vòng kim cô.
-Kim cô là sao?
Lúc đó, Hoà nhìn thấy cô em họ hoa tay lên, nhún vai rất Tây trong “webcam”…
Du khách đã lục tục vào ga. Hoà nhận ra ngay cô em họ. Hơi nhỏ nhắn so với tưởng tượng của anh.
-Helo, chào anh. -Cô bối rối, có chút lóng ngóng ngập ngừng.
Hoà chìa tay ra:
-Em đi đường có mệt không? –Hoà nhìn gương mặt đẹp của cô em họ, son phấn qua loa có phần vội vàng.
-Không, em khoẻ. Chắc em kỳ lắm hà?
Hoà bật cười:
-Một người đi ra từ màn hình vi tính, nói thứ tiếng Việt ngồ ngộ, dễ thương. Cũng… kỳ chứ.
Cả hai cùng cười vui vẻ. Thật là dễ chịu.
Hoa trải tấm bản đồ ra:
-Đường đi về quê thế nào, anh?
Hoà chỉ vào bản đồ:
-Hai anh em mình đi tắc xi về Hà Nội, lên tàu hoả đến đây, coi như ngược theo sông Hồng, rồi xuống đi ô tô đến đây, từ đây đi xe ôm về huyện, ở đó có xe ngựa đưa anh em ta về làng.
-Bao xa?
-Là khoảng hơn trăm cây số.
-Như vậy em thường lái xe hơn một giờ.
Hoà tủm tỉm cười:
-Bây giờ mới gần đứng bóng mặt trời, sẩm tối về đến nhà đã là may, em ơi…
-Kỳ quá hả. Nhiều cái kỳ quá.
Chuyến đi suôn sẻ, khi hai anh em về đến đầu làng, dải núi Hiệp Sơn trước mặt đã ngả màu sẫm. Bầu trời loe lên màu son đỏ rực. Bà trẻ lò dò đi ra ngoài ngõ, nhìn tận mặt hai anh em, kêu lên:
-Ông ơi, cháu ông về rồi đây. Sáng nay tôi nghe thấy chim khách kêu, biết ngay có chúng nó về.
Rồi rất nhanh chóng, nhiều người đã kéo đến lố nhố ở sân.
Bà trẻ dẫn hai đứa vào nhà. Hoa vấp nhẹ một cái vì ngạch cửa. Một ngọn đèn dầu chỉ đủ soi một quầng sáng chỗ giường ông. Ông đang thiêm thiếp. Râu tóc ông như khói toả lên gương mặt gầy gò cũ kỹ. Chính vì ông ốm nặng mà thôi thúc Hoa đã trở về chứ không chờ dịp nào khác nữa. Nhưng giờ đây, cô đứng lặng, đăm đắm nhìn ông không biết nói gì. Mí mắt ông động đậy, rồi ông nhìn lên với con mắt mờ đục. Bất giác Hoa kêu lên:
-Ông ơi!
Ông khẽ cử động bàn tay. Cô để bàn tay mình vào lòng bàn tay xương xẩu của ông.
Rồi điện bật sáng. Chỉ một ngọn điện cũng làm cho ba gian nhà tràn đầy thứ ánh sáng trong biêng biếc. Hoa nhìn rõ từng đốm tàn nhang trên gương mặt của ông như lay động, từng cái râu bạc cứ óng ánh như thể ông sắp nói câu gì. Bất giác, cô cứ có cảm tưởng ông là con chim nhỏ hoá thạch, đã xây xong cái tổ và đang thiếp nghỉ trước một chuyến bay xa lắm…
*
Hoà dẫn Hoa cùng ra ruộng lạc. Bây giờ mùa lạc đang vào củ. Hoà đã giảng giải cho cô em họ cách thức sinh thành củ lạc:
-Sau khi ra hoa, cái nhuỵ đã chúc vòi về đất để kết quả.
-Thế đáng lẽ phải gọi là quả lạc.
-Nhưng cái quả ấy lại lớn lên trong ruột đất, nên tiếng Việt mình phải gọi là củ lạc, em ạ. Nó đặc cách được là cội rễ.
Hoa yên lặng…
Một đám trẻ đủ mọi lứa tuổi đang chơi đùa trên triền đê. Chúng đốt một đám lửa nhỏ, khói lên ngoằn nghèo như một dải mây mềm lượn lên từ cỏ. Hoà sà vào với chúng, anh bảo Hoa:
-Mới ngày nào anh cũng như chúng, chăn trâu thả diều triền đê này, ôm cây chuối bơi dưới sông kia. Và bới trộm lạc nướng ăn nhí nháu.
Hoa thoáng ngơ ngác, nói:
-Còn tuổi thơ của em… Biết nói thế nào nhỉ. Tràn đầy màu sắc, hình khối, tốc độ. Nhưng ít màu cổ điển. Đâu có lãng mạn…
-Lãng mạn? – Hoà ngạc nhiên- Anh lớn lên đã thấy sông thế này, đê thế này.
-Em không biết, nhưng em cảm thấy rất thoải mái.
-Hồi xưa làng còn toàn bộ đường đất, không điện, chiều chiều lũ lượt gánh nước sông.
-Các nước công nghiệp phát triển họ chi tiền nhiều lắm để giữ môi trường. Em có đi du lịch một số nơi, cũng đến như thế này, gọn ghẽ hơn, sung túc hơn, nhưng cứ trống trải thế nào ấy. Có lẽ ở đó vắng tiếng người…
Hoa quỳ xuống, cũng cùng bới ra những củ lạc với Hoà và với lũ trẻ con. Tiếng vỡ vỏ lách tách, một mùi thơm kỳ lạ làm sướng khứu giác của một cô gái đến từ chân trời khác. Không thể nào tưởng tượng được là bố cô cũng đã sống ở đây, ông bà tổ tiên cô đã hít thở cái không khí làng quê này, chắc là cảm giác ấy có sẵn trong cô từ sâu thăm thẳm nguồn cội tế bào đã làm nên hình hài và tâm tưởng của cô. Chỉ chờ có dịp này mà thức dậy trong cô nên mới quen thuộc đến thế này.
Lũ trẻ bắt đầu chạy ù xuống tắm sông. Cả một khoảng sông đằng kia vụt xôn xao. Không gian lay động. Hoa bảo:
-Anh Hoà, dòng sông này dẫn đến đâu?
-Sông này trông gày thế này thôi, nhưng nó sẽ nở ra ở phía dưới kia, nhập vào sông Cái.
-Sông gì?
-Chính là sông Hồng, thường gọi là sông Cái.
-Cái?
-Đấy mới là từ thuần Việt. Cái là Mẹ, là to lớn, vĩ đại.
-Sông Mẹ?
-Nó chảy đến biển Đông.
Hoà tươi cười:
-Em nhập vào dòng nước này, rồi cũng ra biển, đến bên kia đại dương…
Cả hai không nói nữa. Cùng nhìn đăm đắm dòng nước trôi thao thiết. Rồi một ngày gió sẽ đưa hạt nước về nguồn trong hình hài của mây bay, của mưa rơi… Và dòng nước cứ rì rào tươi mới vĩnh cửu đến muôn đời như nó đã trường tồn…
Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 10 28, 2005

Thời gian sống (kỳ 2=hết)

2.

Tôi đến nhà Phong, người nhà bảo Phong đi họp, đến tối mới về. Gọi điện thoại di động thì anh ta tắt máy, dĩ nhiên rồi, anh ta họp cơ mà. Vợ Phong cứ tha thiết mời tôi ở lại, tôi nhất định không ở. Bởi vì tôi ngại bệnh tật của mình, bác sĩ đã dặn cách ly, mình ở lại trong nhà người ta chả biết thế nào, sợ rồi mình hối hận không xong. Sợ nhất là sống trong một thế giới mà lẫn lộn chẳng biết ai nên là bạn, ai nên là thù. Tôi không nên là một người tạo nên nỗi sợ ấy cho ai.

Tôi đi ra bãi biển. Chiều biển sóng rất to, vỗ ì oạp vào bờ kè, tung bọt trắng xoá. Không gian đầy mùi tanh nồng của xác cá chết. Cữ này không phải mùa du lịch, không thể tắm biển được, bãi vắng, nhưng xe cộ trên đường vẫn đều đều làm thoi đưa nhịp sống của một khu nghỉ ngơi giải trí đã có thâm niên vào loại bậc nhất ở phía Bắc. Đồ Sơn vào đầu thiên niên kỷ mới vẫn chưa hoàn toàn là một khu du lịch theo kiểu nhịp sống hối hả của một đô thị. Xóm chài ở lẫn với khu nhà nghỉ. Thuyền cá về bến kề với bãi tắm trung tâm. Có một chút gì đó dân dã ở cái khu ăn chơi này.

Tôi đang tha thẩn thì bỗng nhìn thấy Niên. Cô ta mặc áp mỏng rộng cộc tay, gió thổi tung những nếp áo, da thịt cứ lồ lộ. Chúng tôi dĩ nhiên đã quen nhau rồi, nên ngồi xuống ghế đá bên bờ biển trò chuyện rất thoải mái. Tôi lại hỏi: “Em làm ở đây à?”. Hỏi xong rồi, lại thấy hơi thừa… “Anh chờ ai à?” Niên ngồi chân co chân duỗi, nhìn đăm đắm ra phía biển: “Tối nào em cũng muốn tắm, muốn nhảy xuống biển mà bơi lội, lặn ngụp cùng với sóng biển kia, cứ nghĩ nếu tung lên cùng với nó thì hay lắm…” Đôi mắt cô ta có thể nói là đẹp, giờ đây, tôi mới ngắm cô ta gần gặn, quả thật gương mặt cô ta đầy nữ tính, đẹp thuần khiết. Một vẻ đẹp toát lên sức mạnh của trí tuệ. Sao cô ta lại đến Đồ Sơn? “Nhưng khi em xuống biển rồi, em lại sợ nó cuốn đi và muốn lên bờ. Thích cũng thích nhưng rồi lại mệt, và cái chính là lúc nào cũng phải tắm lại trong nhà tắm…” Hình như cô ta vừa tắm táp xong, tóc vẫn ẩm chưa khô hẳn. Cô ta nói: “Em ra đây hong tóc, em không thích xấy tóc một tý nào?”

Một mùi thơm dịu dịu thật quyến rũ thoang thoảng quanh chỗ chúng tôi ngồi, dường như gió biển muốn thổi bạt đi, nhưng hương thơm ấy cứ quanh quẩn… Tôi biết đó là thứ hương thơm từ da thịt cô gái ngồi ở bên tôi. Tôi không khỏi thở dài, rồi bất ngờ kể về bệnh tật của mình. Tôi không biết làm sao lại thế. Kể một chuyện đáng lẽ phải giữ kín. Với ai? Với một cô gái mới quen…

“Bệnh của tôi dễ lây lắm đấy?”, tôi nói.

Niên cười. Cười nhìn tôi mà chả nói gì cả. Cô ta vẫn ngồi nguyên. Tôi không biết nói gì nữa. Gió biển càng chiều muộn càng thổi lộng. Sóng nước cũng dâng to hơn. Có những con sóng đánh tung nước đến gần chỗ chúng tôi ngồi.

“Em nghĩ… Chết đôi lúc còn có ý nghĩa hơn là sống. Ngày xưa đã có những người hy sinh đấy thôi…”- Niên nói.

“Nhưng sống vẫn hơn”

“Sống mà không có ích thì cũng chả làm gì…”

Tôi nhìn Niên, cô ta vẫn thản nhiên. Tôi nói: “Em có vẻ bất cần đời?”

Niên quay ngoắt lại: “Cần chứ. Chả ai không cần cả. Em cũng như anh thôi. Em cũng sợ bị lây bệnh, bị sida, bị chết vô nghĩa… Nhưng nếu bây giờ bảo em chết vì một ai đó, để cho người ấy sống thì em sẵn sàng…”

“Kể cả đó là một người dưng, không phải người yêu, chồng con, bố mẹ mình ư?”

“Em đã bảo sẵn sàng, thì còn kể gì…”, Niên nói không nhìn tôi, thản nhiên như là chả phải bàn cãi gì. Tôi chợt thấy hơi hổ thẹn. Nhưng tôi đã lộ mặt ra rồi, đành phải đi đến cùng. Tôi nói: “Vậy thì em vì anh đi…”

Niên quay lại: “Vì thế nào?”

Tôi cười. Tự nhiên đến lúc này, tôi lại quên mình là kẻ có bệnh. Có thể là do cảm giác phấn chấn do cuộc chuyện trò với Niên đem lại. Tôi nói vui vẻ: “Vậy thì thế này nhé, anh sắp chết đấy…”

Niên bật cười lảnh lót. Có thể thấy cô ta vui như con trẻ. Cô ta đứng lên, nhưng lại gần tôi hơn: “Anh hãy tập dưỡng sinh đi. Anh sẽ thấy khác. Đầu tiên là bài tập thở. Sau đó nếu anh được xoa bóp, bấm huyệt thì anh sẽ thấy thoải mái ngay…” Cô ta đứng, tay buông xuôi, mắt lim dim, hít thật dài, rồi lại thở ra. Miệng nói: “Thế này… Nguyên tắc là hít vào, giữ, thở ra, giữ. Bốn thì ấy phải có khoảng thời gian bằng nhau. Như nguyên tắc động cơ bốn thì ấy. Anh cứ hít vào thoải mái, phồng bụng cũng được. Anh làm đi…”

Tôi làm theo. Làm theo như là bị thôi miên mới lạ chứ. Rồi bất ngờ, tôi thấy hai bàn tay mềm xoa lấy bả vai mình, xoa lên gáy, lùa vào chân tóc gáy… Đấy là lúc tôi đang lim dim hít vào, giữ, thở ra, giữ… Tôi cảm thấy được bàn tay của cô ta múa may trên bả vai, trên đầu mình, như là đầu óc đang được tháo rời ra, rồi lại được sắp xếp lại. Tôi đang lắng nghe ngôn ngữ của cơ thể tôi mà cô gái này đang đánh thức nó dậy. Có những lúc, đúng là tôi thấy mình như đang trên đỉnh núi, đầu óc nhẹ bẫng, không còn là người nữa, mà là cánh diều không trọng lượng.

Tất nhiên, thời gian ấy trôi qua rất nhanh, tôi vẫn chưa qua cảm giác ngỡ ngàng thì cô ta đã thôi rồi. Tôi sực tỉnh, bảo: “Anh phải đi gặp ông bạn bây giờ”. “Em cũng về đây”. Cô ta bước đi, nhưng lại quay lại: “Anh chả có bệnh gì hết” Tôi vội nói: “Cám ơn em”.

*

Chập tối, tôi mới gặp Phong. Khi tôi lập bập nói nhỏ về bệnh tình thì Phong nói lớn: “Thôi cứ ăn uống đã”. Tôi lấy làm đau khổ phải nói thẳng rằng tôi không thể ăn cơm cùng mọi người được: “Cậu đừng để mình phạm tội nhỡ ra lây bệnh thì khốn”. Phong bảo: “Sống chết có số, đừng lo"

Tôi sốt ruột hỏi ông bác sĩ chữa bệnh gan, Phong cười ầm lên: “Làm quái gì có ông nào… Xin lỗi, xin lỗi là đã bịa ra như thế để kéo ông đến đây chơi. Làm lụng mãi làm quái gì gớm thế. Phải có một lúc ngừng chứ”. Tôi bỗng hơi chán nhưng bật cười. Mình đã ham sống sợ chết đến mức lú lẫn rồi, từ xưa đến nay Phong nổi tiếng là hay đùa, coi trời bằng vung. Nhưng trong chuyện này, do tôi quá lo lắng đến bệnh tật mà tin ngay lời Phong, lặn lội đến đây như một lão già lẩm cẩm.

Đã đến nước này, tôi đành quên mình mà ăn uống say sưa với Phong. Phong uống rượu, tôi không uống. Khi Phong ngà ngà say, gõ đũa vào bát lanh canh hát, tôi không sao hát được như Phong. Chủ quán phục vụ bộ dàn Karaokê đến tận nơi, lại hỏi có gọi em nào không. Phong xua tay, bảo mình là người kinh doanh, mẹ kiếp, lại là thằng cựu chiến binh đi buôn, phải làm cái gì ra cái ấy. Hát là mình hát, nghe hát thì phải nghe ca sĩ chính cống, bọn con gái phục vụ karaoke hát như chó rên, thế mà cũng có thằng nghe.

Gần xong bữa thì Hùng đến. Hùng kêu đói, gọi thức ăn, tôi lại tiếp Hùng, tự thấy lạ là mình ăn ngon đến thế. Khi đã sì sụp ăn uống, Phong bảo: "Ông chẳng bệnh tật gì hết, bệnh gan gì mà vừa ăn xong lại ăn ngon lành thế" Tôi chợt nhớ ra vì sao tôi đến đây. Nếu như vậy thì còn gì bằng. Nếu như vậy, chuyến đi của tôi không phí công.

Hùng bảo: "Chả bù với bố em, bệnh thật sự, nhưng vẫn thích chỉ đạo”.

Hùng cười rất ghê. Tôi không biết phải nói gì nữa. Chỉ biết nghe. “Hồi đầu, em làm ăn gì ông cụ cũng căn vặn, cũng hỏi han. Nếu ông cụ không biết thì cụ rất khó chịu. Sau này, em báo cáo hết, rồi hỏi theo ý bố thì làm thế nào. Hỏi thế thôi cho cụ sướng là cụ đã chỉ đạo, chứ em làm thế nào làm sao cụ biết được”. Tôi nói đưa đẩy, cũng là thật lòng chia sẻ: “Cậu khôn đấy, chứ tớ với bố tớ ngồi với nhau là khó nói chuyện. Sau tớ đưa ra nguyên tắc, khi có việc nhà, cụ bảo gì con làm, ngoài việc họ, việc nhà thì cụ để con làm rồi con báo để cụ biết”. “Cũng lúc đầu, nghe thấy ông cụ bảo mọi người là nhờ có kinh nghiệm quản lý của cụ mà em mới làm ăn được như ngày nay, em nghe thấy chối quá. Nhưng sau nghĩ thôi kệ cụ, mình là con, cụ nói gì chẳng được. Vâng, chúng con xin tiếp thu cái kinh nghiệm quý báu chỉ huy một trăm người trong xưởng của của cụ. A ha... Chỉ huy một trăm con người ở một xưởng thời bao cấp, cuối tuần cắm cờ thi đua đỏ vàng xanh... Có điều, em cương quyết không nhân nhượng việc đối ngoại. Xin cụ cứ để con, cụ đừng xuất hiện. Cái gọi là thương lượng kinh doanh nó có nhiều mánh mung dở người lắm, nhiều khi như là đi câu, như là bắt vía nhau. Lúc thì mang theo một em xinh đẹp, lúc lại phải xách cặp đi một mình, nhưng chớ có cụ. Có cụ là hỏng bét. Cụ nhìn người theo chuẩn mực của cụ. Lúc thì bảo thằng ấy lấc láo, ký làm gì? Ơ hay, lấc láo ở đâu mặc, nó là khách hàng, cụ có nghĩ thế đâu. Có khi cụ bảo, thôi thì bớt cho nó, tao thấy thằng ấy chân phương tử tế... Nhưng nó ra vẻ giả chết bắt quạ, cụ có biết đâu. Cụ chỉ nhìn người theo chuẩn mực thời xưa của cụ. Thôi thôi chịu. A ha, xin cụ để con mới làm ăn được chứ không thì níu kéo nhau mệt lắm”.

Phong bảo: "Bệnh tật là một phần của cuộc sống, vấn đề là thái độ với nó…" Tôi nhớ tới cô gái lúc nãy. Niên hình như cũng nói như vậy. Tôi chống chế: “Mình bệnh tật thế nào chưa rõ, nhưng tốt nhất cũng nên để mọi người khác yêu ổn”. Phong khoát tay, hùng biện: “Sao cậu không đặt vấn đề, cuối cùng thì ai cũng được sống một phần đời, hả. Sự sống đâu phải chỉ là sự ổn định, yên ổn. Cái chết cũng là một phần của sự sống chứ. Nếu cứ tránh sự mất ổn định này, tất cậu sẽ sống cuộc sống ngưng trệ khác" Phong bỗng hạ giọng: “Tớ thấy quý cuộc sống, bởi vì tớ quan niệm, sống một ngày là đac chết một ngày”.

Tôi yên lặng. Tôi đã sống một ngày, và như vậy thời gian sống của tôi đã chết một ngày.

Bỗng Hùng vươn vai: “No quá… A mà này anh ơi, con bé Dung lúc nãy…”. “Dung nào?”; “Con bé đi xe cùng với anh và ông cụ em ấy”. Tôi bảo: “Nó là Niên”. Hùng cười hô hô: “Con này là Dung, có thời rất đắt khách đấy, nhưng nghe nói bây giờ đi làm mát-xa, em cũng đã biết con ấy một lần rồi mà…”

Có thể như vậy lắm chứ… Dung hay Niên?

Hùng ra khỏi nhà hàng trước. Phong trả tiền rồi cùng tôi lững thững đi sau. Tôi và Phong đi dọc bờ biển, từ xa tôi đã nhìn thấy chỗ ghế đá ban chiều tôi và Niên đã chuyện trò. Bây giờ có hai dáng người, một nam một nữ. Nam là Hùng và nữ là Niên. Đến gần tôi mới rõ là hai người đang gầm gừ như hai con gà chọi đang thủ thế. Niên tay lăm lăm cái guốc có đế nhọn hoắt. Hùng ôm đầu. Hùng nói: “Em phải đập cho tan mặt con điếm này. Em chỉ bảo nó đi không”. Niên bổ guốc thẳng cánh vào mặt Hùng, anh ta chống đỡ…

Khi Phong và Hùng đi khỏi rồi, Niên vứt chiếc guốc xuống biển. Tôi ngồi xuống bên cạnh cô ta. Cô ta im lặng, không cả nghe thấy tiếng thở…

Thực ra cô ta là ai? Trong cái thế giới chúng tôi đang sống này, lấy gì làm chuẩn mực để có thể biết cô gái nào đang bán mình, cô gái nào đang vật vã sống hết mình? Tôi có bệnh hay không có bệnh? Liệu tôi có lây sang những người đang sống quanh tôi không?

Tôi và Niên ngồi trước biển đang gầm gào rất ghê gớm.

Tự nhiên tôi bỗng hình dung có một cơn địa chấn, đất dưới chân tôi sẽ lặng lẽ tách ra làm thành đảo nhỏ. Lúc đó chắc tôi sẽ dễ nói ra một điều gì… Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 10 27, 2005

Thời gian sống… Kỳ 1


1.

Nếu những ngày đang sống cứ bình thưòng trôi qua, sáng hối hả đến cơ quan, chiều vội vã trở về nhà... thì hẳn đã không có truyện này. Tôi thường nghe rằng truyện là hư cấu, nhưng có những lúc tôi tự hỏi, vậy thì kể lại có những đoạn đời thực không cần hư cấu có phải là một truyện ngắn không?

Tôi bị ốm. Đầu tiên là những cơn đau bụng lâm râm, rồi đến lúc phải rất khẩn trương, có khi chiếm giữ phòng toa-let của cơ quan đến nửa giờ mà vẫn không giải quyết được nhu cầu gì của mình. Ăn uống cũng chẳng ra sao cả, cảm giác chán ăn rình rập. Khi một cơ thể sống không còn làm được tốt chức năng đồng hoá và dị hóa, cơ thể ấy đang bị bệnh. Sau khi chiếu, chụp, gõ, đập, nghe, bác sĩ phán tôi bị viêm dạ dày, loét hành tá tràng và cho một lô thuốc, lại còn khuyến cáo đừng tưởng bệnh dạ dày là bệnh chỉ về đường tiêu hoá, mà đó là một loại bệnh liên quan đến thần kinh. Đừng cãi nhau với đồng nghiệp, đừng làm cho ông sếp cáu, dẫn đến anh cũng bị tổn thương thần kinh, đừng nói dối vợ đi làm ngoài giờ, mà thực ra rẽ qua quán bia bù khú nói xấu cán bộ và tán chuyện bậy về trai gái. Chứ không ư? Đừng tưởng bác sĩ chúng tớ chỉ biết khám bệnh, tớ còn biết hai thằng đàn ông ngồi với nhau, chỉ được ba phút rồi thì thế nào cũng chuyển đề tài một là nói xấu chế độ, hai là nói bậy về trai gái.

Tôi buồn như chết một nửa cuộc đời. Sống mà không còn thú vui gì, rượu bia kiêng, đến đi sớm về muộn cũng kiêng tuốt thì còn gì nữa.

Một tuần sau, vẫn rất khó chịu, tôi lại đến bác sĩ khám lại. Lần này họ nghiên cứu tôi sâu sắc hơn, đòi lấy máu... Sau khi phân tích kỹ, phán tôi có thể bị viêm gan, cần phải điều trị kiên trì vài ba tháng và phải cách ly. Ông bác sĩ vốn thân tình với tôi, buồn bã bảo: “Bây giờ anh về đi, chiều đến lấy xét nghiệm viêm gan A hay B. A thì cách ly theo đường hô hấp, B thì cách ly hết mọi sự...”. Lại còn nói: “Tôi nói với anh như một người bạn: Viêm gan thì bác sĩ phán gì chỉ là nói phét, cứ điều trị kiên trì rồi nó tự khỏi”. Thấy tôi ngẩn tò te, ông ta nói chẳng rõ có phải an ủi hay là thật: “Người Việt Nam ta, cứ bốn người có một người viêm gan. Triệu chứng là hay gây sự...”. Nói thế là tế nhị đấy... Hiểu rồi, hiểu rồi! Bệnh khó chữa chứ gì? Tôi ra về, lòng buồn vô hạn, trăn trở không biết phải cư xử với người thân ra sao để mọi người khỏi phải lo lắng về mình, cuộc sống vất vả vốn đã chẳng có đầy rẫy nỗi lo rồi hay sao? Tôi cũng chả đi lấy xét nghiệm viêm gan A hay B nữa. Tôi có tiền sử bị bệnh phổi, nhỡ mà đến khám, ông hay bà bác sĩ gõ gõ, lại chiếu phổi, biết đâu lại tìm ra tiền ung thư phổi thì sao? Chi bằng cứ tự cách ly với cái thế giới đầy bệnh truyền nhiễm này đi.

Nhưng trong cái thời đại thông tin bùng nổ này, tôi không thể giấu được nỗi cay đắng của mình, nhiều bạn bè đã biết ngay bệnh tình, đến thăm hỏi. Rồi một ông bạn ở Hải Phòng tên là Phạm Văn Phong điện đến, bảo ở Đồ Sơn có ông bác sĩ chữa gan đông tây y kết hợp, thuốc gia truyền, hay lắm. Phong mời mọc nhiệt tình, phân tích điều hay lẽ phải, khiến tôi quyết định đến Hải Phòng xem sao, một là thăm bạn, hai là biết đâu gặp được Hoa Đà, Biển Thước.

Tình cờ trên xe tôi ngồi bên cạnh một cô gái trẻ, cô gái này có dáng người rất chuẩn, cao ráo, mắt tròn vo, gương mặt hiền lành, lúc đầu mới nhìn khó nói là đẹp, nhưng ngay sau đó nhìn quen rồi thì cũng khó nói là không đẹp. Đôi khi ta gặp những người bình thường, nhưng phút xa lạ qua rất nhanh, tự nhiên có cảm tưởng như đã quen họ rất lâu rồi. Cô này là một trường hợp như vậy. “Em tên là Niên, một cái tên con giai, anh nhỉ”, cô ta nói một cách tự nhiên. “Thế mới độc đáo”, tôi nói. “Cũng chả để làm gì”, cô ta nói như một lời than, nhưng mặt lại thản nhiên như không.

Lát sau có một ông khách đến ngồi chỗ ghế đầu phía trên, ông nói rằng rất may có khoảng trống lớn phía trước nên thoải mái duỗi chân hơn, già rồi mà. Tôi hỏi, anh bao nhiêu tuổi, ông bảo: “Kể ra cũng chưa già, nhưng tôi về hưu rồi” Hỏi rồi mới chợt thấy mình vô duyên, bây giờ người già và phụ nữ giống nhau, đều nên kiêng hỏi tuổi. ở Hà Nội, tôi vẫn thấy các ông về hưu sáng chiều đi đánh ten-nít, bia uống dăm mười vại, ngày thì trồng cây, tỉa hoa, tối có khi đi hát karaoke, đăng- xinh, còn bồ bịch em út ghê lắm. Còn ông này cũng về hưu nhưng nước da bợt bạt, lộ hầu, gương mặt gầy hốc hác. Ông nói: “Tôi vốn làm thợ xi măng, có bệnh silicô nên nghỉ sớm. Suốt thời gian đi làm, hít vào phổi mình bao nhiêu là bụi xi măng làm sao tính được. Nay hưu rồi, thằng con mở công ty trách nhiệm hữu hạn, mình vừa dưỡng già, vừa làm cố vấn cho nó”. “Tốt quá”, tôi thốt lên. Ông nhìn tôi, căn vặn: "Tốt gì?". “Bác hưu rồi, vẫn tiếp tục có điều kiện làm việc, thế là tốt. Với lại, silicô của bác là mãn tính, bác chung sống với nó chứ có sao đâu? Đồng bằng sông Cửu Long mình chung sống với lũ mà vẫn bội thu lúa đấy”. Tôi định nói cái bệnh của tôi mới là gay, nhưng ông đã cười hề hề, ra vẻ dễ dãi, chắc coi chuyện an ủi của tôi đáng buồn cười lắm: “Thế cho nên sống được ngày nào thì cố gắng sống. Mình phải ý thức được thời gian sống mới được”.

Tôi giật mình, không cưỡng được một hành động bất nhã là nhìn lại ông ấy. Bởi vì tôi bất ngờ tưởng rằng ông ấy biết hết câu chuyện bệnh tật của mình mà đâm ra an ủi mình? Lại còn "ý thức được thời gian sống", thật là một người lạc quan yêu đời. Ông tiếp tục mạch yêu đời: “Thằng con tôi có một công ty. Tôi làm quản lý cho nó. Mình ngày xưa cũng cán bộ, có kinh nghiệm. Nó bảo bố giúp con thì mình phải ra tay, còn chút gì truyền lại cho đời thì truyền chứ”

Tôi nghe thấy thế, tự thấy hổ thẹn quá. Hoá ra mình là kẻ bỏ đi. Mới có nghi vấn một chút bệnh tật mà đã mất hết ý chí, như kẻ ở chiến trường chưa biết kẻ thù đã buông súng bỏ chạy rồi. Đành chỉ ngồi, không biết nói gì nữa.

Đột nhiên cô Niên lên tiếng: “Cuộc sống thật bất công quá, anh nhỉ”, cô ta nhìn tôi: “Anh xem, bác ấy đáng lẽ được nghỉ ngơi, thì lại cứ phải cố gắng làm việc”. Trong âm sắc giọng nói ấy lộ vẻ bất cần. Cái giọng nói ấy rất đặc biệt, giống như tôi đã nghe thấy ở đâu rồi. Tôi hỏi: “Em làm gì ở Đồ Sơn”. Niên bảo: “Cũng là một việc thôi…”. Tôi đâm ra khó nghĩ. Cô này không ăn diện quá, nhưng cũng không úi xùi quá. Tôi bảo: “Cô giống một người chào hàng, bây giờ người ta gọi là tiếp thị. Hà Nội tôi thấy rất nhiều cô gái xinh đẹp làm công việc này trong khi chờ thời để tìm một việc khác căn bản hơn”. Niên nhìn tôi, không nói là tôi nói đúng, cũng không nói tôi nói sai: “Chúng em vào đời, chỉ thấy cuộc sống như đã sắp đặt sẵn rồi”. Ông Silicô bật lên: “Sai bét. Ngày xưa mới là sắp sẵn, Nhà nước nuôi anh ăn học, chỉ đâu phải đi đó. Bây giờ thằng con tôi đấy, nó cứ tự nó nó làm, ai có sức cứ làm…”. Tôi thấy cô Sơn nhấp nhỏm như định tranh luận, bèn nói: “Chỉ có tôi là tiến thoái lưỡng nan. Không thuộc ngày xưa và cũng không thuộc lớp người ngày nay. Tôi ở giữa giữa mới chết”. Ông Silicô trợn mắt: “Nói thế là sao?”. “Là thế. Khi tôi trẻ, hồi tôi mới ra trường thì người ta cần người có kinh nghiệm, nhất là các quân nhân vừa từ chiến trường giải phóng miền Nam trở về. Đến gần đây, cần xốc vác thì mình không còn trẻ nữa. Hồi đi bộ đội biên giới Tây Nam, ăn gió uống sương chút ít, nay trái gió trở trời đã như cái máy báo thời tiết rồi, quá bốn nhăm không còn đề bạt được, ở cơ quan đã là người bỏ đi, ra xã hội thì không bằng cánh trẻ con anh. Anh thử xem, thế không phải là sống dở, chết dở à?”. “Anh nói dở lắm”, ông Silicô nói

“Anh sướng không biết sướng. Cháu lại mơ được như bác và anh ngày xưa cơ...”, Niên nói. Tôi cười: “Dễ nghe nhỉ, thế các cô có biết chiến tranh là thế nào không? Có biết đói là thế nào không, thời sinh viên rồi thời đi bộ đội chúng tôi ăn độn bột mì luộc, nhìn thấy củ sắn mắt sáng như sao, đến nay thì đầy thứ ăn lại không thể nào ăn đi được. Đau thật, cô làm sao hiểu nổi”. “Đói mà có niềm tin, khổ đánh giặc cũng vì đất nước. Nhưng xung quanh no đủ, mà mình thất nghiệp, cái đói đó mới sợ?”. Tôi bật cười: “Cô này mơ mộng quá nhỉ? Thế thì thế này... Cô sẽ thành một bà cô già, qua tuổi xuân rồi mà chưa biết một mảnh tình nào. Đêm nào cô cũng sẽ khóc thầm vì người yêu mới chỉ hẹn nhau thôi đã hy sinh rồi. Cả thời con gái của cô chưa bắt đầu thì tuổi già đã đến. Cô gánh vinh quang chiến thắng, nhưng cuộc sống sau đó của cô thì buồn tẻ lắm đấy”. Niên nói cả quyết: “Cũng chả sao cả. Sống thế mới là sống”

Khi xe gần đến bến Tam Bạc, ông Silicô sửa soạn túi, cái xe quành vào đường bờ sông, tôi nhìn xa đã thấy một người quen. Đó là Hùng. Tôi vốn gặp anh ta ở nhà Phạm Văn Phong. Hùng đưa tay vẫy vẫy. Ông già thò cổ ra ngoài nhìn, bảo tôi: “Thằng con tôi nó đi đón tôi”. à ra thế. Anh ta đứng bên cái xe hai trăm năm mươi phân khối to kềnh. Tôi cũng thò cổ xuống. Hùng nhìn thấy tôi, cũng ngoác miệng cười…

Khi cái xe còn đứng đó ì ì chưa chạy tiếp thì tôi cũng thấy cô Niên đang nhìn xuống. Niên nhìn Hùng không ra quen, cũng không ra lạ. Hùng thì ngó lên sát mặt Niên, nói: “Chào em, xuống thẳng Đồ Sơn à?” Hùng vừa nói với tôi nghiêm túc, thế mà thoắt quay ra nói chuyện với Niên cười cợt, thái độ bờm xơm rất lạ… (còn nữa)

Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 10 26, 2005

Chuyện vui của các nhà văn

Nhà văn Hà Phạm Phú kể câu chuyện này:

Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền họp Hội nghị G3. Vua nhà Hán chủ trì.

Vua Hán cho các cung nữ cởi trần, bôi nhọ nồi vào vú, bắt múa đãi tướng. Cuối cùng, chọn 3 cô đẹp nhất cho ngồi cạnh 3 vị Tào, Lưu, Tôn. Bỗng đèn đuốc tắt hết. Hồi lâu đèn nến mới sáng lên. Thì thấy tay Tôn Quyền nhọ đen nhẻm, mũi Lưu Bị cũng bị đen. Vua Hán nghĩ bụng: Tôn Quyền khua khuắng cả cung nữ của ta, thế nào nó cũng lấy đất Ngô, Lưu Bị ngửi cả cung nữ của ta, thế nào nó cũng lấy Ba Thục, chỉ có Tào Tháo là trung thành với ta. Vua Hán bèn khen Tào trung nghĩa. Tào Tháo khoái quá, cười nhe răng. Răng và lưỡi của Tào Tháo đen xì.

Dị bản: MTĐ tổ chức liên hoan, cho mời các em vũ nữ đến múa. MTĐ muốn vui, bắt các em cởi trần bôi nhọ nồi vào ngực, rồi tắt đèn 5 phút. Đến khi đèn đuốc sáng lên, thấy mọi người, từ Lâm B, Đặng TB, Diệp KA, Bành ĐH, Lưu TK... cho đến cánh trẻ như Hoa QP, Uông ĐH... tay đều lấm lem, chỉ có Chu AL là tay sạch. MTĐ khen Chu AL, Chu AL sướng cười, răng đen xì.

5.

Nhà văn Đào Quang Thép kể chuyện này:

Sau khi nàng Bạch Tuyết ở với 7 chú lùn rồi về cung, phải đi qua một con suối. Dân địa phương cảnh báo, phụ nữ qua suối ấy thế nào cũng mất trinh. Bạch Tuyết không tin, cứ đi, quả là sang bên kia suối phát hiện ra mình mất trinh thật. Nàng Bạch Tuyết bèn thông báo thưởng rất hậu cho ai mò thấy trinh của mình.

Rất nhiều người đi mò trinh. Trinh đổ lên bờ suối nhiều vô kể, thành từng đống lớn, cái nào cũng có lỗ thủng to tướng. Cuối cùng, một anh kêu lên đã mò thấy rồi. Mọi người quây lấy xem, đó là một đồng trinh có vẻ lành lặn, không có lỗ lớn như những cái khác, nhưng có 7 lỗ cực kỳ bé, nhìn rất kỹ mới thấy.

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 10 20, 2005

Kinh Môn nơi đâu?

1. Kinh Môn nơi đâu?

Kinh Môn ngày nay là một huyện của tỉnh Hải Dương, một huyện tương đối đặc biệt so với các huyện khác của tỉnh vốn được mệnh danh là tỉnh nông nghiệp. Một dãy núi đất trong hệ thống núi vòng cung Đông Triều làm xương sống của cả huyện. Về núi non, Kinh Môn cảnh trí tương đối giống Chí Linh, nhưng Kinh Môn còn đặc biệt là có những núi đá xanh rải rác, sông bao bọc, cánh đồng rộng lớn. Trong các sách thường phân loại Kinh Môn là huyện bán sơn địa, nhưng nếu không đến Kinh Môn, thì không thể hình dung sự đặc sắc của thiên nhiên Kinh Môn.

Ngày nay, huyện Kinh Môn được xếp vào huyện miền núi, nhiều xã là xã miền núi trong danh sách hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng cũng chính nơi đây, một phần huyện Kinh Môn, nơi trước đây là khu vực chắn giữa sông Kinh Thày, Đá Bạc vốn là nơi đìu hiu, nghèo nàn nhất của huyện, chậm phát triển nhất tỉnh, thì nay lại là nơi có khu vực công nghiệp xi măng lớn nhất nước, đô thị hóa rất nhanh, ra đời đồng thời hai thị trấn lớn. Khu vực này đúng là một con gà gáy cả ba tỉnh cùng nghe, là nơi ngã ba tiếp giáp biên giới của Kinh Môn (Hải Dương)- Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Dãy núi có đỉnh cao nhất là An Phụ chia huyện thành hai phần, phần Tây tiếp giáp sông Kinh Môn chạy song song với quốc lộ số 5 ruộng đồng bằng phẳng, từ Thăng Long, Quang Trung giáp Bến Tuần Mây kéo đến bến Nống (An Lưu) là một cánh đồng vựa lúa, sánh với bất cứ cánh đồng nào của Gia Lộc, Tứ Kỳ vốn nổi danh lúa gạo. Phần bên Đông núi An Phụ, dân vừa làm ruộng, vừa sinh sống với sông Kinh Thày, vốn là nơi trên bến dưới thuyền, nghề chài lưới lẫn với thương hồ hình thành tính cách quả cảm của dân Kinh Môn, có những con người còn lưu dậm dấu vết trong sử sách.

Thuở xa, khi bà Lê Chân lập trang An Biên khai phát khu vực Hải Phòng ngày nay, chắc chắn Kinh Môn không xa biển. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Thừa tuyên Hải Dương có 4 phủ, 18 huyện thì Phủ Kinh Môn là một trong 4 phủ, quản 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, Kim Thành, An Lão, An Dương, Nghi Dương và Thuỷ Đường. Đối chiếu với bản đồ ngày nay, Kinh Môn chỉ còn là danh chỉ huyện Giáp Sơn xưa, trừ các huyện Kim Thành, Đông Triều cơ bản là đất cũ, các huyện còn lại chính là nằm lọt trong phần lớn Thành phố Hải Phòng ngày nay.

Vùng đất thuộc phủ Kinh Môn chắc chắn có một giai đoạn phát triển mạnh, vì nằm giữa Chí Linh quê gốc và Dương Kinh nơi đất căn bản của họ Mạc. Nhưng cuối triều Mạc, bắt đầu Lê Trung hưng phải gánh chịu nhiều cuộc tàn phá ghê gớm. Một phần do sự suy tàn của triều Mạc, một phần đây chính là địa điểm đường thủy nối Tây đô Thanh Hóa với Đông đô, cuộc chiến phò Lê và tồn Mạc đã làm cho cả vùng thành chiến địa. Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1598, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đã từ Thăng Long, vâng mệnh vua Lê Thế tông, kéo về Kinh Môn thảo phạt “giặc ngụy”. Sau khi nhà Mạc chạy dài lên phía Bắc, thế lực chống triều đình mạnh nhất tập trung ở Thuỷ Đường (nay là Thuỷ Nguyên), rồi Đông Triều, Kim Thành, Thanh Hà, An Dương… đều không thần phục triều đình. Nhưng duy chỉ có Giáp Sơn là không thấy nói có “ngụy”, và chắc chắn Nguyễn Hoàng đã kéo quân theo đường thủy đến phủ lỵ Kinh Môn làm bản doanh để làm cuộc chinh phạt. Chính vùng sông nước từ Kinh Môn đến Đồ Sơn, nằm trong khu vực phủ Kinh Môn xưa, hai trăm năm sau lại là vùng đất hoạt động của Quận He Nguyễn Hữu Cầu chống lại triều đình. (Ghi chú: Quyển tiểu thuyết “Vườn An Lạc” của Nguyễn Xuân Hưng chính là viết về giai đoạn này của Kinh Môn)

Ngược dòng lịch sử, Kinh Môn có một vùng di tích vốn là trang ấp của An Sinh vương Trần Liễu, thân sinh Đức Thánh Trần Hưng đạo đại vương. Trang ấp này ngày nay thuộc xã An Sinh, dưới chân núi An Phụ. Chính sử chép nhà Trần phát tích từ Thiên Trường, nhưng hàn vi mấy đời đánh cá trên sông, cứu công chúa nhà Lý trên sông. Ngày xưa, con sông Bạch đằng đổ vào hệ thống sông Thái Bình rồi lên kinh thành chính là đường thủy quốc lộ chính, địa vật ngày nay chắc khác xưa nhiều, con cháu nhà Trần có thể đánh cá dọc sông Kinh Thày hay không, nhưng chắc chắn An Phụ có vị trí tâm linh cao quý đối với họ Trần. Bằng chứng là sau này, các đời vua từ Minh Tông trở về sau đều không phải an táng ở Thiên Trường (Nam Định) mà an táng tại An Sinh. Có sách nói An Sinh ngày nay thuộc Đông Triều, nhưng tôi ngờ là nhầm. An Sinh vốn là trang ấp cổ của dòng trưởng họ Trần, các đời vua sau đều là con cháu của cả dòng Trần Cảnh lẫn Trần Liễu, chắc chắn phải chọn nơi đất phát của họ để an táng. Tiếc rằng sau khi Trương Phụ đánh bại nhà Hồ, đã cho tàn phá tất cả những di tích của nước ta, nhất là những dịa danh gắn với các vị vua chống ngoại xâm. Ngày nay, tượng Trần Quốc Tuấn đặt tại đỉnh An Phụ, thấp hơn đền Trần Liễu quả là đắc địa và đúng với tâm linh lịch sử. Chính An Sinh chứ không phải Thiên Trường mới là nơi Trần Quốc Tuấn sống thuở ấu thơ, gắn bó với trang ấp của cha, gần với phủ đệ Vạn Kiếp chỉ vài giờ đi thuyền.

Một di tích nổi tiếng nữa của Kinh Môn là động Kính Chủ. Động nằm trong quần thể núi đá xanh cách An Phụ vài ba cây số. Chắc rằng thời Lý, Kính Chủ là nơi trung tâm Phật giáo, trước khi các nhà tu hành phát hiện ra An Tử. Chính sử chép nơi đây có 49 hang động, lầu son gác tía. Lý Thần tông được nhà Trần cho tu ở đó, thực chất là an trí. Nay di tích này không còn nhiều, hầu như chỉ còn phế tích. Vấn đề của Kính Chủ cũng là vấn đề chung nan giải của cả nước.


Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 10 19, 2005

Chuyen tre con

ĐỨA CON GÁI NHỎ NĂM TUỔI CỦA TÔI KỂ MỘT CÂU CHUYỆN THẾ NÀY:
"Có một ông già bảo đứa bé: Ăn kẹo sẽ bị sâu răng. ĐỨA BÉ HỎI: Ông ơi, sao người lớn ăn kẹo lại không sâu răng. ÔNG GIÀ BẢO: ĐÓ LÀ VÌ NGƯỜI TA LÀ NGƯỜI LỚn. ĐỨA BÉ LIỀN REO LÊN: Tại vì mút nhau sẽ không bị sâu răng. Chuyện đến đây là hết" ( Chú thích: Mút nhau- Hôn nhau )
Tôi không biết sẽ kể lại chuyện đó như thế nào, đành viết ra đây. Dưới mắt trẻ con, những người lớn thật ngớ ngẩn chăng?
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 10 16, 2005

Nha Trang (tiep theo)

3. Tôi đã từ biệt Hòn Tre trong tâm trạng rất lạ lùng. Tôi vừa từ bảo tàng Yersin ra, đến Hòn Tre, như thể đi từ quá khứ làng chài của Nha Trang đến một tương lai gần vào tuần sau, tháng sau của Nha Trang. Tôi muốn tìm một người Pháp của Cty… đang làm ở Hòn Tre để hỏi chuyện. Tôi định hỏi xem họ có cảm nghĩ gì về Yersin, người đồng bào của họ đã từng sống và chết với Nha Trang. Và một chớp loé trong tâm trí khiến tôi phát hiện ra câu trả lời không thể nào khác được: “Nếu một người tầm cỡ như Yersin bây giờ đến Nha Trang, dĩ nhiên ông ấy sẽ chọn nghỉ ở Hòn Tre, ở Hòn Ngọc Việt”.

Trong những ngày ở Nha Trang, tôi tình cờ gặp một quan chức Sở Du lịch- Thương mại Khánh Hoà. Khi tôi nói với anh về ý tưởng thành lập một Tua du lịch mang tên Yersin, anh hoàn toàn nhất trí. Những địa danh gắn liền với Yersin cũng đủ gợi cho du khách một không gian văn hoá: Nha Trang, Hòn Bà, Suối Dầu, Đà Lạt. Những sở thích của con người kỳ lạ này cũng là những gợi ý cuốn hút cho du khách: nghề y với Viện Pastơ, cây cao su và cây canh-ki-na ông mang đến đất này, sự say mê nhiếp ảnh, chơi ô tô, nhà thiên văn, nhà thám hiểm đã từng khám phá ra cao nguyên Liang Biang, nhà hàng hải đã từng đi biển… và trên hết là những công việc cống hiến cho Nha Trang, nơi ông để lại phần mộ của mình vĩnh viễn…

Nhưng vị quan chức du lịch Khánh Hoà cũng có cái nhìn thực tế, anh nói rằng, từ ý tưởng đến hiện thực không phải là một sớm một chiều. Cũng như ai cũng nhìn thấy tiềm năng du lịch của Hòn Tre, nhưng không phải ai cũng có gan đầu tư ra tấm ra món như cái cách đã tạo ra Hòn Ngọc Việt. Giờ đây, để có những tua du lịch văn hoá nối quá khứ với tương lai, như “tua Yersin” thì cũng cần có những con người dám nghĩ dám làm, dám đầu tư dài hạn như ở Hòn Tre… Chừng nào đến ngày đó, thì thời gian và không gian đều trở thành của cải du lịch vô giá của Khánh Hoà.

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 10 13, 2005

Con "bất mèo" trong phủ Chúa- Kỳ 3 và hết

Nhà Trạng chuột chạy hàng đàn, chúng rinh rích trêu nhau, lại còn cắn vào chữ của Trạng làm Trạng điên đầu. Tự nhiên, trong tôi bỗng sôi sục một lòng căm thù mà tôi không sao hiểu nổi. Tiếng gọi xung trận chắc là được truyền trong huyết quản tôi từ tổ tiên thời xa xưa, từ thời ông Trời sắp xếp mọi vật theo âm dương ngũ hành chăng? Một tiếng gọi từ nơi xa thẳm tâm thức bảo tôi rằng, lũ chuột chính là kẻ thù của tôi. Tôi nổi nộ khí xung thiên và tiêu diệt những kẻ thù truyền kiếp. Từ đó, tôi không bận tâm vì chuyện ăn gì nữa, tôi lại trơn lông xanh mắt. Thân tôi lại óng ả, giọng tôi lại uốn éo. Tôi tung hoành giữa không gian khoáng đạt, vui hơi ấm của bếp, thanh thản với ngọn đèn bên giá sách cao chất ngất của ông Trạng.

Trạng nói với tôi: "ở với ta nhé. Ta thấy mi đúng là một con mèo. Một con mèo giữa trời và đất". Tôi ngẩng lên gù gù gù gù. Trạng lại trầm ngâm bảo: "Nhưng mi là con mèo sống với nhân gian. Phải về với chúa của mi và cũng là chúa của ta thôi". Tôi kêu lên: "Eo ôi". Trạng khêu nến sáng hơn trên trang sách của Người: "Không phải chúa nào cũng lấn vua, ham chơi. Bình An vương (Trịnh Tùng) đã khôi phục cơ đồ. Hy tổ Nhân vương (Trịnh Cương) và Nghị tổ Ân vương (Trịnh Doanh) chăm lo chính sự... Hỏi không có các vị ấy thì vua ta làm nên cơ sự gì? Nhưng cháu tốt cũng hiếm như con mèo vừa đẹp vừa hay. Cớ sao chúa vẫn phải thờ hôn quân, vì sao chúa mê muội mà vua không phế được. Hỡi ôi". Tôi đăm đăm nhìn Trạng. Trạng nói: "Ta thì làm được chi? Đó cũng là vua là chúa của ta".

Vào một ngày Dần đẹp trời, tháng Tý, Trạng lại mang tôi vào cung với chúa của ông. Trạng kahỉ chúa rằng tôi đã là một con mèo, không phải là con bất mèo ngày nào nữa. Chúa bày ra bát cá và đĩa rau muống. Trớc văn võ bá quan và ái thiếp của chúa, tôi liền chén luôn bát cá, mặc kệ những cái lừ mắt của Trạng. Chúa cười ha ha. Bao nhiêu ngày tôi chưa được xơi một bữa cá tuyệt vời như thế. Xong xuôi, tôi liền chén sạch đĩa rau muống luộc. Chúa bắt đầu im không cười nữa. Chưa ăn thua gì so với cái dạ dày đã ưa chạy nhảy và tập luyện của tôi. Tôi bèn nhảy phốc lên ban thờ phủ chúa, nhanh như cắt lôi ngay ra một thằng chuột nhắt và xơi rau ráu. Rồi tôi đuổi bọn chuột trên bàn thờ phủ chúa chạy tán loạn. Chúa kinh ngạc. Bọn người quanh chúa rõ là sợ hết hồn những chưa dám phản ứng gì, bọn họ quen nghe ngóng động tĩnh của chúa rồi mà. Trạng bắt đầu mủm mỉm cười. Trạng thưa: "Khải chúa. Nơi thờ tự là chỗ linh thiêng, thế mà lũ chuột không kiêng nể oai chúa, dám càn rỡ ẩn nấp để mưu bổng lộc, đục khoét xã tắc. Trong khi người người gương mắt ra nhìn, thì con mèo của chúa đã biết diệt trừ bọn gặm nhấm. Xin chúa ban thưởng".

Chúa nhìn các ái nữ của Người. Bọn này đều che miệng tỏ vẻ kinh tởm. Một viên quan tiến lên "khải chúa": Việc bắt chuột có thể làm kinh động đến nơi linh thiêng, đấy là chưa kể có thể làm đổ những đồ thờ tự quốc bảo.

Chúa ngẫm nghĩ. Lát sau, ngài bảo: "Ta ban thưởng cho Trạng vì đã thuần phục được con "bất mèo". Nhưng trong cung cẫm của ta có thể không có nhiều rau muống cho nó, mà đàn chó của ta có thể làm cho nó không được yên. Vậy ta ban hco Trạng mang nó về nhà nuôi cần thận, khi nào cần bắt chuột ở phủ chúa, ta sẽ truyền gọi".

Hoan hô. Thế là tôi được theo Trạng trở về. Chỉ có ai như tôi biết mùi cạm bẫy yêu ghét đố kị nơi phủ chúa, mới hay rằng sống đơn sơ khoẻ nhẹ giữa thiên nhiên dân gian thanh bình là quý hoá biết nhường naò.

Bọn sĩ ohu đương thời kể rằng khi Trạng mang tôi vào phủ chúa, tôi chỉ có ăn rau muống để đến nỗi Chúa thua cược Trạng, rồi chúa vẫn thương nhớ tôi, là sai toét. Bằng chứng ư? Nếu vậy thì ai bầu bạn êm ái đêm ngày với những ông Trạng? Nếu vậy, thì bây giờ, loài chuột chỉ có thể sinh sống ở những nơi hạ tiện, chứ sao chúng vẫn không nể cả những nơi cung kia phủ nọ?

Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 10 12, 2005

Con "bất mèo" trong phủ Chúa- Kỳ 2

Một hôm, Chúa có khách. Khách ăn mặc giản dị, đi đứng đường hoàng, mọi người gọi là Trạng. Tôi nghe nói bọn hay chữ thường không thần phục cường quyền, trong số bọn họ nếu làm quan thì ít nịnh thần, nhiều trung thần, kiêu hãnh xem thường công danh địa vị. Xem ra thế thì quanh chúa không có ai có cung cách như lão Trạng này.

Chủ khách vãn chuyện, tôi nhè nhẹ đi vào, khoanh mình nằm vào lòng chúa. Tôi cảm nhận được bàn tay chúa ve vuốt thân thể mình, lòng thảnh thơi nghĩ cuộc đời không còn chuyện gì đáng kể nữa.

Bọn người xung quanh bắt đầu tuôn ra những mỹ từ khen ngợi tôi, Bỗng ông Trạng khải chúa, rằng tôi nghe chúa có con mèo hay, trộm nghĩ không biết nó hay ở điểm gì, mong các quan chỉ giáo cho. Các quan bèn tranh nhau nói trong cái cười hừ hự của chúa. Nó đẹp, nó sang, nó biết ghét dơ bẩn, chọn chỗ thanh cao. Hãy cứ để hai đĩa cá rán và đĩa rau muống, thậm chí cả con chuột ngắc ngoải, bao giờ nó cũng chọn cá rán. Trạng bỗng cười ha hả. Khải chúa, nếu thật vậy thì quả đây là điềm không lành. Không lành ra sao, nói ta nghe. Tôi nghe nói, vạn vật trong vũ trụ do trời sắp đặt, có âm dương, theo ngũ hành. Nước là âm thì không thể lao được lên núi. Lửa thuộc dương thì không thể không bốc lên cao. Hỡi ôi, con mèo mà không bắt chuột, không ăn cả cá và rau thì phải chăng nó là con "bất mèo", chỉ hành trạng nó là mèo, còn tinh nó là quỷ, trộm mong chúa mau định liệu. Bất ngờ, Chúa hẩy tôi lăn quay xuống sàn nhà, may mà sàn nhà trải thảm, tôi còn nhớ chút võ mèo, chứ không thì gãy xương. Ra là loài người yêu ghét cũng thay đổi phũ phàng thế nhỉ. Chúa thốt lên: "Bay đâu, đem chém nó cho ta". Tôi co ro vì ngạc nhiên quá đỗi. Thế ra những lời vo ve trong phủ chúa là quá đúng hay sao? Làm gì có tình cảm ở những con người này. Chỉ có quyền uy, quan hệ sở hữu và chiếm hữu. Tôi cố cứu vãn tình hình, ra sức uốn mình cọ tấm thân mềm mại vào Chúa. Người không thể phụ tình nhanh thế được?

Nhưng tôi không thể thay đổi được tình thế nữa rồi. Chúa tránh tôi. Tôi quay sang lão Trạng, tôi sẽ thu mình găm những cái móng vuốt của tôi vào lão. Nhưng đúng lúc ấy, sự việc nất ngờ thay đổi. Trạng thưa"Kẻ ngu muội này sẽ có cách giải hạn cho Chúa, lại giữ cho nó đúng là mèo. Chỉ mong được mang nó về nhà trong vòng một tháng". Thế là tôi phải từ giã chốn cung phủ những cũng đầy bất trắc, theo ông Trạng về nhà ông.

Tôi phải sống trong xó bếp. Tro bếp đen xì và bụi mù bây giờ là nhung là lụa của tôi đây. Tôi có thể không rúc vào đó không, nếu ngoài trời rét mướt mà trong tro bếp vẫn toả ra hơi ấm nồng đượm của lửa đang ngún? Đến bữa ăn, Trạng cho tôi độc bát cơm nguội với rau muống luộc. Ông TRạng cũng không hơn gì. Ông ăn cơm với mấy quả cà và vài con tép. Tôi định cướp một con tép của ông, liền bị cốc một cái trời giáng. Rau muống lại muống rau... Tôi có thể không ăn mà tưởng nhớ những long tu yến sào đã qua chăng? Ông Trạng bảo tôi: "Quân tử thực bất cầu bão. Tớ sẽ dạy choem đạo quân tử". Ôi, thế ra làm quân tử khó biết bao.

ở nhà ông Trạng ăn uống khem khổ, nhưng không khí trong lành và giản dị. Sáng có thể dạo trong vườn, vươn vai dưới gốc cây lựu đâm bông lập loè đầu tường. Tối có thể leo lên mái nhà, cùng ông Trạng ngắm sao Nam tào, Bắc đẩu. Phấn hứng, ông Trạng ngâm một tiếng thơ, tôi có thể gù gù phụ hoạ. Không có cảnh bầy người khom khúm xiểm nịnh, cũng khoái, mỗi tội là đói. Tôi gầy vêu vao.

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 10 11, 2005

Con "bất mèo" trong phủ Chúa- Kỳ 1


(Đây là tâm sự của con mèo của Trạng Quỳnh. Truyện ngắn này đăng báo Thanh Niên năm 2001, nay xin post lại)


Nhằm đùng ngày Mùi tháng Hợi, chủ tôi mang tôi tiến vào phủ Chúa.

Chúa yêu tôi lắm. Ngài bế tôi lên, vuốt ve thân mình tôi. Ngài luôn miệng kêu khe khẽ: Êm ái quá. Em êm ái quá. Các quan trầm trồ khen tôi đẹp. Có ai không khen tôi không? Không, không ai cả. Bọn họ bảo: Khải chúa, chúa có con mắt tinh đời, chúng tôi không sao bì được.

Tôi biết chúa yêu nên hay làm nũng. Tôi uể oải vươn tấm thân dài, uốn luợn phô bày những đừơng cong nét khéo của cơ thể. Tôi nhè nhẹ cọ mình vào tay chúa, nhìn ngài bằng con mắt trong leo lẻo. Ngài đang đắm mình trong cái nhìn ướt át của tôi. Ngài lại nói: "Êm ái quá".

Tất cả bọn thiếp của chúa đều không ưa tôi, thậm chí có người ghét tôi ra mặt. "Khái chúa, chỉ vì nó mà chúa quên em ư?" Chùa cười ha hả: "Nó và em giống nhau ở cái mềm mại và êm ái. Nó hơn em là yêu nó nó không nhờn, ghét nó nó không căm tức". ái thiếp bèn khóc ầm lên, ngúng nga ngúng nguẩy. Giá mà tôi cũng có nước mắt thì tôi sai khiến cả nhân loại.

Ngày trong cung cấm thật dài lê thê. Dong chơi và dong chơi. Hình như bọn người trong phủ không có việc gì đáng kể. Những đám người bu lấy Chúa, hết thảy động thái của chúa, từ cái hắt hơi đến cái liếc mắt đều được bọn họ đón lấy để dùng miệng lưỡi tung hứng. Đàn ông hiển hiện như những cái bóng, còn bọn đàn bà mới là chủ phủ và luôn luôn âm mưu hãm hại lẫn nhau. Tôi thường nằm dài trên ban công, trên đầu tất cả bọn họ, lắng nghe những mưu ma chước quỷ của họ, vẫy tai cho bớt ngứa ngáy vì những lời xiểm nịnh. Những buổi sáng, tôi hướng về phía mặt trời để đón những tia nắng của một ngày mới, cảm nhận hơi ấm từ những nóc bếp của xóm nhỏ kinh thành ẩn mình trong màu xanh lam lũ... Phía ấy có gì nhỉ? Câu hỏi ấy thôi thúc tôi.

(Còn nữa)

Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 10 10, 2005

Nha Trang hồi ức

1. Tôi đến Nha Trang mùa đông, hơn một giờ bay từ Hà Nội lạnh áo đơn áo kép, vào thành phố biển miền Trung nắng vàng đầy gió, như thể trở về với mùa thu Hà Nội. Không có ai tắm biển, sóng chơi đùa với bãi cát nhàn tênh. Không hiểu sao, tôi cứ có cảm giác thành phố như một thiếu nữ dịu dàng đang mơ màng bên bờ biển…
Dịp này, thành phố cao nguyên Đà Lạt đang cận kề ngày kỷ niệm 110 năm, ngoại trừ khách bay nội địa đến thẳng Đà Lạt, còn thì nhiều khách du lịch ở Nha Trang đã tìm cách đến Đà Lạt chỉ với hơn hai trăm cây số đường ô tô. Một số bạn đồng hành với tôi nóng lòng đi Đà Lạt. Với Nha Trang, họ hầu như đã đi hầu hết các đảo, từ bay dù đến lặn biển, từ tắm bùn đến chơi núi… Một người nói với tôi, giờ thì chỉ có một nơi đáng để du lịch mà anh chưa đến. Đó là nơi nào? Anh bảo anh chưa đến bởi vì dù cho nó đã có trên bản đồ du lịch Khánh Hoà, nhưng nó chưa đón khách, mới sắp khánh thành, đấy là điểm lu lịch mang cái tên “Hòn Ngọc Việt” trên đảo Hòn Tre. Hòn Ngọc Việt? Thật là một cái tên mỹ miều. Tôi đã biết khối chuyện làm “nhãn hiệu” rồi, cứ phải tận mắt nhìn thấy mới có thể tin. Đi thuyền chỉ khoảng nửa giờ. Một người khác nói thêm: “Có thể tương lai du lịch Nha Trang sẽ cất cánh hay không phụ thuộc vào cú làm ăn lớn này ở Hòn Tre”.
Tôi nói với họ tôi đến Nha Trang cũng nhiều lần rồi, nhưng lần này muốn đến thăm một nơi? Đó là bảo tàng Yersin ở Nha Trang. Khỏi phải nói, họ trố mắt ngạc nhiên, chắc vì ý thích của tôi gàn dở lắm mới tìm bảo tàng tĩnh lặng và buồn ngắt... Họ còn trẻ, họ háo hức với tương lai. Tôi chưa già lắm, nhưng tôi đã quá nhiều tuổi so với họ, tôi vương vấn về quá khứ. Cái nhà nguyên là nơi thắp đèn biển cổ lỗ ấy là nơi đã sống một con người huyền thoại, đó chính là nơi đã lưu giữ quá khứ của Nha Trang, Đà Lạt… Họ hăm hở đi Đà Lạt, sao họ không biết họ đã đi trên con đường mà Yersin đã từng đi để tìm ra nơi xây nên Đà Lạt, và họ đã bỏ quan một địa danh ở Nha Trang gắn liền với sự khởi nguồn của thành phố cao nguyên kia.
Trong một quyển sách viết về Yersin, hai tác giả Henri H. Mollaret và Jacquelirie Brossollet sau khi nghiên cứu hơn một nghìn lá thư của Yersin, đa số là những lá thư gửi mẹ viết từ Nha Trang, đã mô tả Nha Trang năm 1898 là “một số ngôi nhà nhỏ tại một nơi gọi là “Mũi dân chài”, tại cửa sông trông ra biển đông, trong một vịnh nhỏ”. Tại làng chài ấy, “mỗi sáng, phụ nữ trong làng vội bước thành hàng dài mang những thúng cá tươi đầy ắp vào bán trong thành Khánh Hoà, nơi cư ngụ của những quan chức”. Thuở ấy, theo Yersin kể lại với mẹ mình, chỉ có khoảng hai chục người nước ngoài ở Nha Trang.
Còn Nha Trang của cuối năm 2003 này người nước ngoài hiện diện khắp nơi và họ góp phần làm nên diện mạo của thành phố biển miền Trung này. Một trong những nguyên nhân Yersin đã chọn ở xóm chài nghèo Nha Trang, theo nhiều tác giả phương Tây nghiên cứu tiểu sử của ông, thì ông vốn là một người muốn một sự hạnh phúc cô độc và bởi vì tính nhút nhát của ông không thể hoà hợp với những nguyên tắc sống của xã hội phù hoa, nên ông tìm tự do trong yên ả của một nơi hẻo lánh. Tôi trở ra khỏi “nhà của Yersin” với một chút tự sự khi bắt gặp đường xe và những ô cưả khách sạn lóng lánh: Hỡi ôi, Yersin mà sinh ra ở thời nay ông sẽ tìm chân trời mơ ước ở đâu?
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 10 09, 2005

Truyện ngắn : Hoa Tre (tiếp theo và HÊT)

3.

Chú Phòng gọi điện cho tôi:

-Hôm thi công chức nhớ phải có mặt...

Tôi ậm ừ cho qua chuyện:

-Cháu phải đi về quê làm mấy việc ông dặn, ông cháu đang nhập viện mổ mắt.

-Chú nóivới bố cháu rồi, cháu bỏ hết mọi thứ đấy đã…

Tôi bèn gọi Thành đến, rủ về quê. Thành dẫn tôi lên ngọn đồi mà ông ngày truớc đã tập kết đóng quân. Từ đây, ông đã trượt xuống núi um tùm sim mua, lau lách để xuống thung gặp bà đang múc nước.

Chúng tôi cũng đi lại con đường xưa ông bà đã đi. Thành trở về nhà ông ngoại, giờ là một ông bác của Thành đang ở. Mọi người nhìn tôi bằng con mắt dò xét, hỏi Thành bao giờ cho các anh chị ăn đám cưới.

Chúng tôi đã lang thang với nhau trên núi, từ đó nhìn trăng lên trải vàng khắp thế gian. Không gian huyền ảo. Nếu tôi không một lần đến nơi này, tôi làm sao biết còn có thứ ánh trăng tinh khiết đến thế. Chúng tôi đã ngồi bên bờ sông, nhìn mặt trời đỏ máu đang chìm xuống bờ bên kia, tôi có cảm tưởng như mình cũng đang chìm xuống. Thành say đắm nhìn tôi và nhìn sông chảy bập bùng trước mặt. Tôi đã nắm tay Thành, bàn tay mềm mát lạnh. Người ta nói bàn tay lạnh thì trái tim nóng. Tôi cũng thấy trong mình sôi sục… Nhưng tôi chỉ muốn mình chết lặng cùng với mặt trời bé bỏng và muốn lắng mãi giây phút xao xuyến lạ kỳ này. Tôi sợ sự thô lỗ của tôi sẽ làm tâm trạng lung linh này biến mất. Tôi muốn mình sống khác với gấp gáp thời nay…

Trên đường về, Thành không nói, mặt ưu tư lắm. Tôi chợt buồn, nói với Thành:

-Tại sao ông và bà có tình cảm với nhau lâu dài đến thế?

Tôi nắm lấy bàn tay Thành, cô ta để yên… Nhưng khi chúng tôi chia tay, cô ta khinh khỉnh cười, bảo tôi:

-Chào anh, bánh bao hấp

-Anh hấp hả?

-Chứ còn gì…

Tôi trở về nhà, gặp luôn bố tôi ở cửa. Tôi chào, bố tôi gật. Tôi biết ông đã mổ mắt, bà Nho ở trong bệnh viện với ông. Bố tôi không nói gì về kỳ thi công chức ở bộ chú Phòng.

Tôi lại cắm vào máy tính. Tôi phải làm tiếp mấy việc của công ty, và phải làm mấy việc của chính tôi. Tôi vào cái trang forum mà tôi tạo ra, trời ơi đất hỡi biết bao nhiêu là ý kiến đã gửi đến bàn về sự tiến bộ.

Không biết tôi đã giam mình trong phòng bao lâu để sống với thế giới mạng ảo, chỉ đến khi nghe thấy tiếng ông bà ở nhà ngoài. Ông và bà đã trở về. Ông trông khỏe khoắn, đôi mắt ông chớp linh động. Ông đã nhìn thấy rõ ràng. Nét mừng rỡ hiện lên trên gương mặt già nua của ông, khiến ông hình như trẻ lại.

Ông nói:

-Giờ thì tôi và bà về vườn tre ấy được rồi

-Cháu và Thành vừa về đó đấy. – Tôi vội nói- Chúng cháu quay phim, chụp ảnh tất cả rồi đưa lên máy tính rồi… Ông có xem không?

Bà Nho lườm tôi:

-Thôi để cho ông nghỉ ngơi, mắt mới là không nên nhìn ngắm cái gì nhiều đâu- Bà nói nhỏ-Cháu để cho ông nghỉ.

-Bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác hôm ấy. Khó tả lắm. - Ông rất vui- Ông cụ dẫn tôi ra vườn. Măng nhiều chi chít, lên tua tủa. Măng lồng ngộc to như những cái mũ cối có chóp nhọn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những cây măng to khỏe lạ lùng và nhiều đến thế.

-Mùa măng ấy thì tôi cũng chỉ nhìn thấy một lần- Bà Nho nói.

- Đó là điềm báo mùa hoa tre đấy chứ gì?- Tôi cười với ông.

-Sao, cháu cũng biết hả?- bà Nho hỏi, rồi cười nhẹ với tôi, cái nhìn nhiều ngụ ý- Hay là cháu và con Thành về nhà cũng đúng mùa hoa tre?

Tôi bèn chạy đoạn băng trên máy tính của tôi và gọi ông lại. Đây là núi, đây là sông nhìn từ trên cao xuống. Trượt từ trên núi xuống thung sẽ bắt gặp một khu vườn. Đó là khu vườn tre trong ký ức của ông.

Ông thốt lên:

-Đúng rồi… Đúng nó rồi.

Đến một lúc, cả khu vườn bỗng xôn xao một thứ âm thanh kỳ lạ. Từng chùm hoa trắng ngà nở bung. Như là mây rơi xuống vòm lá tre xanh xậm. Đó là thứ hoa tre kỳ ảo mà ít ai nhìn thấy một lần trong đời. Tôi cũng chưa nhìn thấy. Để làm đoạn băng hoa tre này, tôi đã phải lục lọi biết bao nhiêu tư liệu, mời giáo sư sinh học làm tư vấn và huy động bọn ở công ty tôi làm kỹ xảo…

Ông gật:

-Phải rồi. Này bà ơi, vào đây mà xem này…

Bà Nho đã đứng ở đằng sau ông cháu tôi từ lúc nào rồi. Bà ngạc nhiên lắm, tấm tắc khen: -Không ngờ lên phim ảnh nó lại đẹp như vậy.

Ông vui lắm. Bà bảo:

-Thế là ông toại nguyện rồi nhé?

-Tôi phải về nhìn tận mắt chứ?

-Tận mắt làm gì, cũng thế thôi. Ông phải nghỉ ngơi cho khỏe- Bà can khéo.

Ông chợt thừ ra:

-Bà nói phải, bây giờ có về cũng chả còn vườn tre ấy nữa.

Tôi giật thót. Ông biết hết rồi ư? Trước mắt tôi và Thành hôm ấy, chỉ có một dãy phố lô xô nhà với nhà. Làm gì có vườn tược tre pheo nào ở chính cái nơi kỷ niệm thời thanh xuân của ông bà.

Ông thủ thỉ:

-Bà không nhớ sau khi ra hoa, tre sẽ tự nhiên chết hàng loạt đấy à?

Bà Nho rơm rớm nước mắt. Chắc bà xúc động lắm, gật gật:

-Cái năm ấy tre ra hoa, là đúng dịp bị bom rải thảm. Cả trận địa các chị ấy trên đồi đều bay sạch, nhưng măng lồng ngộc thì còn sót lại nhiều. Rồi ông về, tôi và ông khênh ông cụ ra hiên nhà, nhìn xuống vườn tre ra hoa, ông còn nhớ không?

-Nhớ chứ…

Tôi len lén bấm máy nhắn tin cho Thành.

Đọc thêm!

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3