truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Bảy, tháng 1 28, 2006

Bến sông trăng

-Con Rô dậy chưa?

Tiếng bà cô cười lảnh lót.

Hà nhìn thấy gương mặt bố trẻ trung, nữ tính. Hà bất giác đưa tay lên dụi mắt. Cử chỉ ấy thuở còn là con Rô, cô cố bỏ từ khi trở thành sinh viên vì bọn con gái truyền nhau điều răn làm thế sẽ gây toét mắt, rụng lông mi. Nhưng ngay lập tức, Hà thấy đó không phải là bố, mà là cô Huyền. Ai cũng bảo cô Huyền giống bố Hà. Giống cả cái cười, giọng nói.

Hà uốn éo trở dậy:

-Cứ về đây là cháu lại dậy muộn, hóa ra bao nhiêu năm thành phố không gột rửa được chân quê, cô nhỉ? Hay là tại đồng đất quê mình?
-Quê gì cô, quê nhà tôi không có rể Tây?- Cô Huyền mắng với giọng thánh thót, không ra giận.

-Cô, cháu đã nói nó chỉ là bạn bè thôi.

-Nó dậy rồi, chạy hùng hục suốt bờ sông. -Cô chỉ ra ngoài cửa.

Hà bật dậy. Bà cô nói, cô mới sực tỉnh hoàn toàn. Lần này Hà về quê, như mọi năm cô thường về nhà bà cô nghỉ hè. Một vài ngày, có năm một vài tuần. Nhưng năm nay có khác, Hà về muộn hơn, mùa hè đã qua. Và, điều đặc biệt nhất là lần này Hà dẫn theo một người khách. Đó là một anh chàng. Anh chàng cao cao mắt nâu, tóc nâu, nói tiếng Việt ngọng nghịu. Hà giới thiệu với cô đó là Biu Ma-thiêu, cứ gọi đơn giản là Bin.

Bin là kỹ sư nông học, anh đặc biệt thích thú cảnh làng quê Hà. Trời chớm thu, qua một tuần mưa rả rích. Sông vừa rút nước, bờ bãi như mới được rửa, phô màu tươi mới. Hai người lên khỏi bến đò, đi bộ khoảng gần một cây số trên con đê bao rồi mới rẽ vào cổng làng. Không chỉ Bin, mà Hà cũng chăm chú nhìn những vạt bãi vẫn còn phủ nấm bùn tươi nâu sậm. Và cô cứ thấy thiêu thiếu một cái gì? Hồi xưa, cữ này, bãi đâu có phẳng phiu sạch tinh tươm như thế kia. Chằng chịt trên bề mặt nấm bùn là dấu vết của cá lác, của cua cáy, chúng vẽ nên mặt bùn đang se khô dưới nắng một tấm bản đồ tự nhiên kỳ thú. Khi cô đến, chúng chạy rào rạo, có khi còn tung lên những giọt bùn vấy lên gấu quần cô. Giờ đây, cô đứng lặng, nhìn sông, nhìn bờ bãi. Sông vẫn nước rung rinh, nhưng bãi đã yên tĩnh như vạn vật thủy sinh vẫn còn đang ngủ. Đã có cuộc biến thiên hay là tại ký ức bao giờ cũng ấm cúng hơn, vui tươi hơn hiện tại; hay là bởi vì con người muốn giữ lấy thời gian mà không được.

Đoạn sông Khoai chảy qua làng cô bỗng hai bên bãi phình ra rất rộng. Bố cô bảo, các cụ đã chọn khúc sông này để lập nên làng Nành mình. Làng dựa vào sông mà sống. Sông nuôi làng trù phú quanh năm. Đồng đất làng Nành quá nửa là đồng đất bãi, bố cô kể, ngày xưa cụ Chánh Bụt đi lên huyện về, qua bãi bến sông để quên cái gậy gỗ bồ đề chống xuống đất, thế mà hôm sau đi tìm, đã thấy cái gậy mọc lá mầm xanh tươi. Từ đó cụ Chánh Bụt cho dời bến đến chỗ bây giờ, khoanh khúc bãi dài hai bên Đống Bồ Đề làm ruộng bãi nhất đẳng điền, đó là cổ tích huy hoàng của làng Nành. Khi Hà còn bé, cô đã thấy có một doi đất hơi cao hơn trên bãi, có ba bốn cây bồ đề rậm rạp, một mái đền nhỏ khuất trong tán lá thờ cụ Chánh Bụt. Khi nước lên, doi đất ấy trở thành hòn đảo bé tí, còn những cây bồ đề như là mọc từ dưới sông lên.

Hà tìm thấy Bin đang chạy trên đê, rồi lia máy quay ra phía doi đất Đống Bồ Đề. Bây giờ ở đó chỉ còn một cây bồ đề cổ thụ. Bin chỉ ra xa, nói:

-Đắp một con đập thì có thể biến bãi này thành một cái hồ nhỏ. Hồ nuôi tôm cá được mà đảo Bồ Đề trở thành rất đẹp, xây một cây cầu, thật là “thủy mạc”, rồi làm các công trình như bể bơi, nhà hàng…

Hà đứng yên lặng nghe Bin nói, nhưng tâm trí của cô để đâu đâu… Hiện đại hóa làng Nành, có lẽ sẽ phải như vậy. Bin quay phim cứ quay, cô thấy cũng là hay. Cô sẽ bảo Bin sao cho một cái đĩa làm kỷ niệm…

Mọi người qua lại, Hà đều chào. Cô đi khỏi làng lâu rồi, nhưng về làng nề nếp không thể bỏ. Có người quen, có người không quen, nhưng đi trên đê này thì hầu như không có người làng khác, phải chào chứ không thể khác. Bin thích thú chào theo. Người làng được một ông Tây chào lại cũng thích, ai cũng tươi cười vui sướng.

-Định làm gì đấy hả Hà?

-Nghe nói Liên hiệp quốc cho làng ta dự án hả cô?

-Chuyến này về lấy chồng nhá...?

Mỗi người một câu gọi là chào lại. Tính người làng cô vốn vậy, bộc trực chả để bụng điều gì. Người nói nhiều mà giữ gìn nhiều điều huyền bí nhất có lẽ chỉ có cô Huyền. Đến nói cô ấy cũng hay lý sự. Ví như chuyện trai làng Nành cấy cầy, đánh lưới, còn gái làng Nành thì lại chuyên cua cáy, trai ốc thì bà cô Huyền bảo: “Con gì bơi lội tung tăng là của các ông, con gì chui rúc là phần chúng tôi. Phận đàn bà nó vậy”.

Bố cô lại nói: “Cá mú chỉ ăn vèo một cái là hết. Cua cáy trai ốc mới có vị, mắm miếc nhớ lâu. Gái làng Nành đắt chồng chỉ vì cái vị mắm cáy, chú ấy phải ở rể cũng là vì mắm cáy”.

Cô Huyền hay cười, lúc nào cũng tươi tắn. Thế mà hôm đám tang bố Hà, cô ấy khóc nhiều kinh khủng. Cô Huyền đứng lên lại ngã xuống, gào thét mãi đến khi khản đặc cả tiếng. Cuối cùng, sau khi bố đã an phận, Hà quay ra lại phải an ủi bà cô. Hà đã cố bấm lòng, tự bảo mình phải cứng rắn lên, thế mà khi bà cô nấc lên, nói giọng khào khào: “Anh ơi, anh đi rồi, ai nếm mắm cho em. Ai biết mắm nào ngon, nào dở…” Thì Hà lại khóc òa không kìm được. Chỉ có Hà, đứa con của làng Nành mới thấu hiểu nỗi lòng thật thà đến độ quê kiểng cơm canh mắm muối như thế.

Hà lại như nhìn thấy bà cô mỗi khi “ngả” một lượt mắm là gọi bố Hà sang. Những cái chum đất nhỏ xếp hàng sẵn, miệng chum chỉ vừa lọt cổ tay người lớn. Ông bố Hà đi một lượt. Đầu tiên ông không nếm ngay mà cúi xuống, khẽ mở hé nắp, hít hà tận miệng chum, rồi chỉ từng cái chum, bảo bà cô cái nào ngon nhất, cái nào dở nhất. Có khi cô Huyền cầm sẵn viên phấn, đánh số vào từng vai chum. Sau đó, dường như để kiểm tra khứu giác của mình, ông mới dùng đến vị giác. Mỗi chum, ông cầm một chiếc đũa tre chấm xuống, rồi rất nhanh đưa lên môi, mút nhẹ vào đầu đũa. Chậm rãi, đủng đỉnh, ngâm nga, gật gù… Trông ông thư thái như là quên mọi sự đời, tận hưởng lạc thú gì ghê lắm. Hà không biết bao nhiêu lần khúc khích cười, đều bị bà cô đuổi chạy ra xa. Lạc thú gì? Chỉ là vị mắm nồng nồng.

Bà cô hỏi:

-Bác thấy thế nào?

-Cái này được- Bố Hà chỉ vào một chum-Nhất hạng thì nó phải thế. Tê tê đầu lưỡi, lắng nghe thấy cả vị ngọt.

Hà chạy ngay đến, chấm một tay vào bát mắm bà cô vừa múc ra. Tê đâu mà tê, ngọt đâu mà ngọt?

-Em cũng đoán thế- cô Huyền nói.

-Cô cứ làm theo cách của tôi, nhờ ruồi tìm hộ, công hiệu lắm.

-Em không làm theo bác được.- Cô Huyền lắc đầu quầy quậy.

Làng Nành làm mắm cáy cả làng, nhưng bao giờ mắm cô Huyền cũng ngon nhất. Người ta làm mắm ăn quanh năm, mang biếu bạn bè, người thân nơi khác, gần đây mới làm để bán. Cán bộ huyện hay xuống tận làng Nành mua mắm đi biếu, toàn lấy mắm của cô Huyền.

Tối qua, Bin ăn rau muống chấm với mắm cáy, cứ gật gật:

-Ngon lắm. Đặc biệt lắm.

Cô Huyền bảo:

-Thịt, sữa nước anh cả thế giới đều ăn. Mắm cáy thì chỉ có làng Nành.

Bin bảo:

-Không, rồi đây thế giới cũng ăn mắm cáy làng Nành chứ. Thế giới hội nhập kinh tế toàn cầu. Cũng như cô ăn xúc xích Đức thôi.

Bà cô cười không ra tiếng. Hà biết điệu cười ấy là bà cô chả tin một chút nào.

Bin chợt ngẩng lên, bảo:

-Nhưng cháu chưa nhìn thấy xưởng người ta nuôi cáy?

Lúc này thì bà cô của Hà cười thật sự. Cười sảng khoái. Đang ăn mà bà bỏ bát đứng lên để cười, rồi uống một ngụm nước rau muống luộc. Trước khi uống, cô Huyền còn cẩn thận nhỏ vào đó một tý teo mắm cáy.

Bà Huyền hỏi:

-Anh có muốn làm rể làng Nành không?

-Ô- Bin ngạc nhiên- Nếu chỉ cần cô hỏi chuyện ấy cho cháu gái, thì cháu đồng ý rồi.

Hà xua tay:

-Đừng tưởng bở, cô ấy nói đùa anh đấy.

-Đến mùa cáy thì tôi gả nó cho anh.- Bà Huyền nói, vẻ nghiêm trang của bà khiến cho Hà im thít. Đó chắc không phải đùa.

Cô Huyền chỉ ra hướng sông, nói nhỏ:

-Bãi sông xưa cáy nhiều vô kể. Một cái thuổng trên tay, một cái giỏ bên hông, bao nhiêu đời nay, việc bắt cáy của đàn bà con gái làng Nành đại để như mọi nơi ra vườn hái rau dại vậy thôi. Thế mà bây giờ, đến câu cáy như hồi cách đây mấy năm cháu về nhìn thấy đấy, cũng không còn mấy người. Người khôn người sinh sôi, cáy đi đâu cả…

**

Chiều hạ tuần, một góc trời vàng óng, không khí cũng màu vàng ươm, từ ban công tầng ba nhà cô Huyền có thể nhìn thấy sông như một tấm gương lấp lánh màu đồng. Gió lồng lộng. Gió mang mùi hoai hoai của rơm rạ mốc sau mưa. Bin đang lắng nghe chuyện của Hà.

Hồi xưa, tầm chiều này con Rô hay ngồi ở cửa, đón các chị, các cô đi đào cáy về qua. Các bà ấy tranh nhau cho Rô con cáy cụ to nhất, mai gần bằng mai cua, còng đỏ tía. Các bà ấy bảo: Gặp con Rô là y như may mắn. Bố lấy sợi chỉ, buộc con cáy cho Rô cầm dắt đi, giả vờ làm người chăn trâu. Chiều nào cũng chăn trâu như thế…Khi người lớn không gọi Hà là con Rô, thì Hà cũng không chơi chăn trâu bằng cáy nữa, mà chăn trâu thật. Nhưng lúc đó thì làm cáy, giã cáy cho cô Huyền làm mắm. Cô Huyền quý Hà vì tính tỉ mẩn, không ngại làm. Phải xé mai cáy ra, bóc yếm đi, khều lấy gạch. Nhưng vui sướng nhất là thỉnh thoảng bất ngờ gặp được con cáy ôm trứng. Trứng cáy cho vào cái trôn bát, làm thành bánh, phơi khô, coi như của hiếm để dành. Ôi, hương vị của nó thì tuyệt trần, không thể tả được đâu.

Nhưng có lẽ thời của người đào cáy bằng thuổng đã qua rồi. Hồi cách đây mấy năm, Hà mới tốt nghiệp đại học, về nghỉ hè dài với bà cô, Hà đã thấy cảnh người ta câu cáy. Không thể tả được cô choáng váng đến thế nào…

Hôm ấy, Hà lên phơi quần áo trên sân thượng, bất ngờ nhìn thấy những hình người lạ lẫm ở bãi sông. Những hình người, mà dường như là tượng. Bởi vì đó là những dáng đứng hoàn toàn bất động. Cô căng mắt nhìn. Cuối cùng cũng thấy một bên tay có cử động. Đó là người chứ đúng là không phải tượng. Hà gọi cô Huyền:

-Cô ơi, họ làm gì đấy?

-ồi, câu cáy đấy…

-Câu cáy?

-Chứ sao. –Cô Huyền nói giọng xa xôi- Đời cô chỉ thấy người ta đào cáy, câu cá. Bây giờ thì đấy, câu cáy. Bởi vì bây giờ cáy ít, lại không ở mà như xưa, cáy cũng khôn hơn hay sao ấy, đào cả buổi chả bắt được mấy con.

Hà đã ra đến gần nơi những người câu cáy. Có nhiều người không phải ở làng Nành. Họ đứng gần như bất động. Tay phải cầm cái que như cầm cái đũa dài và chỉ có cổ tay lắc nhẹ. Lắc một cái rất nhẹ, lưỡi câu có con cáy ôm mồi đã vung lên rơi trúng vào vị trí tay trái đón lấy, rồi cũng ngoáy nhẹ cổ tay trái, con cáy đã tọt vào cái giỏ đeo bên hông rồi. Có nhiều khi con cáy rơi ra, thì cũng rơi đúng tầm cái miệng giỏ. Một thao tác điệu nghệ, không thừa, không thiếu. Hà cảm thấy một sự thán phục những nguời câu cáy mà lòng buồn rười rượi. Bờ bãi bắt đầu đang hiếm cua cáy tôm cá. Con người mưu sinh phải đến độ dụng công thế ư? Hôm ấy, cô đã ngồi đăm đắm nhìn ra sông, tiếc những chiều êm ả có những đám người đào cáy mà thân thiện với đồng đất bãi…

Bin lắng nghe câu chuyện của Hà. Đôi mắt nâu ưu tư nói với cô rằng anh ta thấu hiểu. Anh ta đến từ một thế giới khác, có cách lý giải mọi sự khác với Hà, diễn đạt khác, sự đồng cảm chỉ tìm thấy trong ánh mắt. Cũng như việc hôm qua cô Huyền ngả mắm…

Những cái chum nhỏ đựng mắm đậy rất kín. Trước kia, bao giờ gần đến ngày “ngả” mắm, cô Huyền cũng mở ra một lượt, “thăm” mắm. Cô Huyền nói:

-Hồi còn bố cháu, cô không phải làm thế này, cứ ủ kín một mạch…- Bà cô thừ ra, chắc nhớ đến bố Huyền- Thôi ra ngoài kia chơi.

Cô không cho mọi người xem cô làm thế nào. Lúi húi một mình làm mọi việc, rồi vần từng chum ra để vào chỗ thoáng nhất.

Hà còn nhớ, lần đầu tiên cô nhìn thấy những sinh vật trắng trắng như hạt tấm động cựa trên bề mặt tấm ni lon bao đậy làm nắp chum. Cô rùng mình. Đó là những con dòi biến thái của loài ruồi. Cô kêu toáng lên: “ối cô ơi”. Nhìn sang mấy cổ chum khác, có chum nhiều, có chum ít, có chum sạch tinh tươm.

Bà cô chạy đến, mặt nghiêm lại:

-Sao cháu vào đấy làm gì?

-Cháu xem…

-Mặc kệ cô. Đi ra.

Nhưng Hà đã nhìn thấy. Cô Huyền lặng lẽ xem xét từng cái chum, quan sát rất cẩn thận, rồi cầm viên phấn đánh số vào từng chum. Cô không có vẻ gì là bất ngờ hay kinh hãi. Rồi sau đó, cô lấy cái chổi nhỏ quét sạch cẩn thận từng cái cổ chum. Bà cô múc nước mưa, thận trọng rửa sạch sẽ bên ngoài từ vai lên đến miệng chum. Rồi, bà nhẹ nhàng bóc từng lớp bao nút, khẽ mở nắp ra.

Hà cúi xuống. Hình ảnh những con dòi lúc nãy vẫn khiến Hà cảnh giác. Nhưng rồi cô quên hết, sực lên một hương thơm nồng nồng của vị mắm cáy quen thuộc. Một thứ hương tinh khiết không thể nào chịu được, khiến cho tuyến nước bọt và tuyến dịch vị phải làm việc ngay lập tức. Cô thấy miệng mình dính dấp, ruột gan cồn cào muốn ăn ngay. Hà quan sát cẩn thận phía bên trong miệng chum. Sạch tinh tươm. Cô chỉ thấy màu nhung mịn của da sứ, của hơi nước báo hiệu rằng đã phủ một lớp màng mỏng ẩm từ rất nhiều ngày, từ ngày ướp cáy.

Hà đinh ninh rằng đợt ngả mắm ấy chỉ là một sự cố đến nỗi có dòi phía ngoài chum, nhưng lần sau, lần sau nữa, những con dòi vẫn cứ xuất hiện không tránh khỏi. Hà quen dần. Quen dần cảm giác khi nhìn thấy những sinh vật trắng tinh li ti ấy xuất hiện. Quen dần với cung cách xem xét, lọc lựa đánh số những cái chum nhỏ. Bởi vì mắm cáy cô Huyền vẫn cứ ngon nhất làng Nành. Hà chỉ lờ mờ nghi ngờ rằng hình như cô Huyền cố tình làm thế. Bà cô này tuy hay lý sự, nhưng cũng là một bà già nông thôn, mê tín từ chân tóc. Rụng tóc, nhện sa, máy mắt, cáy ít cáy nhiều… bà đều cho là điềm trời.

Hôm qua, cô Huyền bảo:

-Mai cô ngả mắm…

Hà khúc khích bảo:

-Cách truyền thống hả cô?

Bà cô cười:

-Bây giờ, đến ruồi cũng chẳng còn…

Bin nghe cô cháu nói chuyện với nhau rất chăm chú nhưng không nói gì cả.

Khi bà cô ngả mắm, Hà cố tình rủ Bin đi chơi, nhưng Bin lắc đầu:

-Anh xem cô cho ra sản phẩm mới.

-Sản phẩm nào?- Hà trố mắt ngạc nhiên.

-Hôm qua cô Huyền nói cho anh quy trình làm mắm rồi mà, hôm nay là…

-Ngả mắm- Hà tiếp lời.

-Đúng rồi- Bin gật.

-Anh đừng xem, việc của cô ấy.

Nói mãi Bin vẫn cương quyết đòi ở nhà xem cô Huyền ngả mắm. Hà đành ở lại cùng Bin.

Trong thâm tâm Hà dấy lên niềm áy náy không yên. Thoạt đầu, Huyền đã hơi yên tâm. Gian nhà để những chum mắm sạch tinh tươm, loáng thoáng mới có một con ruồi. Sự lạ này là dấu hiệu tiến bộ của làng Nành. Nhưng khi cô Huyền bắt đầu xem xét những cái bao nắp, Hà vẫn nhìn thấy trên đó xuất hiện những sinh vật nhỏ tí, màu trắng, nhìn kỹ mới thấy chúng đang cử động. Hà vội nói với Bin:

-Trông thế thôi, chúng chỉ có ở bên ngoài thôi mà.

Bin giơ tay ra hiệu, khiến cho Hà không dám nói gì nữa. Anh ta cũng cúi xuống xem xét, quan sát rất chăm chú. Một người đi du lịch không có thái độ ấy. Hẳn là máu chuyên môn nông học đang khiến anh ta mê mải?

Bin quan sát cô Huyền đánh số chum, rồi làm sạch bên ngoài từng cái chum. Bàn tay cô tỷ mẩn dùng chổi lông mềm quét từng nếp gấp của bọc ni lông, rồi khẽ khàng dùng một vòi nước, tia rửa toàn bộ phần bên ngoài. Điều này là mới đây, hồi xưa cô phải múc nước bằng gáo dừa, bây giờ cô chạy bơm xè xè, ống cao su nhỏ, chùm tia nước xối mạnh…

Đến khi cô Huyền mở từng chum, cô dùng cái gáo nhỏ bằng ống nứa, khẽ nhúng xuống chum mắm, ngoáy nhẹ rồi nhấc lên. Bà cô hít hà hơi mắm, rồi mới dùng thìa nhỏ múc một tý tẹo, nếm. Bà đưa lại cái gáo nứa cho Bin, Bin cũng làm y như thế. Anh ta nhấm nháp, nếm láp trang trọng, cẩn thận, lắng nghe như là tìm kiếm âm thanh nào từ trong cái gáo mắm ấy.

-Anh có thấy chúng khác nhau không?- Cô Huyền nói rồi chỉ từng chum một.

-Có thấy. Cái này hơn nhất- Bin chỉ từng cái chum- cái kia cuối.

-Khác thế nào?

-Chỉ biết thế, không nói được rõ ạ…

Cô Huyền cười tươi vui:

-Anh thật thà đấy. Anh làm người làng Nành được.

Hai người nói chuyện với nhau, coi như bỏ mặc Hà.

*

Hai người đi ra đê. Bóng tối mịn màng bao phủ xóm làng. Nhưng vạn vật lại đang như là tỏa ra một thứ ánh sáng huyền bí. Bến nước hiện ra trước mặt. Bừng lên màu trắng bạc loáng ướt của dòng sông. Hà đi đến gần, đăm đắm nhìn ánh trăng đang đùa nghịch trên mặt nước. Bin chỉ tay:

-Trăng...

-Trăng lên- Hà nhắc- Hôm nay tầm này là trăng treo.

-Bài hát về ông trăng- Bin gật rồi lẩm nhẩm- Hôm nay lịch trăng là mười sáu?

-Âm lịch là mười sáu.

-Ô, hiểu rồi, mười sáu trăng treo- Bin kêu lên- Nhưng mười bảy sảy giường chiếu, mười tám rám trấu… là thế nào?

-Ôi, anh này…- Hà cười sung sướng- Biết giảng cho anh thế nào bây giờ. Mà nông thôn làng Nành bây giờ cũng chả sảy giường chiếu vào lúc ấy nữa.

-Nhưng cũng có thể biết chứ? –Bin nghiêm nghị- Như cô Huyền đo mắm chứ gì?

Hà ngẩng lên, thấy ánh mắt người đàn ông không còn xa lạ, mà lấp lánh phản chiếu bến nước làng Nành. Bin hào hứng giảng giải:

-Trong phòng thí nghiệm của công ty anh ở Đức, người ta đã nuôi hàng chục loài ruồi, thí nghiệm khả năng chữa trị vết thương của ròi. Một đặc tính đặc biệt là chúng có thể phân biệt mùi vị ở mức rất nhỏ. Thật lạ là cô Huyền dùng chúng để phân loại từng chum mắm…

-Thật ư?- Hà tròn xoe mắt.- Em cứ thắc mắc tại sao cô Huyền làm thế.

-Nhưng mà cô ấy không có phương tiện đo gì khác, mà chỉ bằng… -Bin ngắc ngứ tìm từ.

-Kinh nghiệm?- Hà nhắc.

-Không. Linh cảm. Đó là linh cảm đặc biệt của bà già đồng đất nhà quê. Kỳ lạ thật.

-Tiếng Việt của Bin khá nhiều rồi đấy.

-Chưa khá đâu. Chưa biết mười bảy sảy giường chiếu là gì mà- Bin cười vô tư chân thật.

Trăng trung tuần tỏa sáng trong vắt. Không khí mơ hồ, không gian như tự giãn nở, vạn vật bỗng chốc âm u, mờ tỏ. Hai người đi trên đường đê hướng đến bến sông. Chỗ này có lúc ban ngày Bin đã quay vi đê ô, hình dung một dự án đắp đập làm hồ… Bây giờ Đống Bồ Đề nổi lên u uẩn như một cái đầu của một con người khổng lồ đang ngoi lên từ sông nước. Bin bỗng nói:

-Mình nghĩ kỹ rồi, bãi sông này để cho con cáy sinh sôi?

-Không làm dự án du lịch làm cầu, làm nhà hàng nữa hả?

-Vẫn làm… Nhưng là dự án con cáy. -Bin bỗng nhìn Hà, mắt đầy ánh trăng- Cô Huyền bảo anh làm người làng Nành được đấy.

Bin nói tiếp:

-Rồi sẽ có những mùa cáy...

Hà im lặng. Cô thấy mình bị chìm đắm trong dòng sông trăng này, cố giấu cái giật mình thảng thốt như con cáy đang tìm một cái mà ẩn nấp nơi bãi sông quê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3