Không bao giờ ngôn ngữ Việt dễ bị tổn thương như thời đại thông tin sôi động ngày nay.
Bật ti vi lên, nghe thấy người ta nói. Xem phim, xem truyền hình, nghe thấy người ta nói. Mở mạng Net ra, đọc thấy người ta... nói. Thử xét riêng về ngôn ngữ nói, có thể đã thấy tiếng Việt đang tàn tạ thế nào?
Nếu bạn thích bóng đá, bạn sẽ thấy tiếng Việt bị giết chết không thương tiếc.
“A bị phạm lỗi bởi B”, “Đường chuyền thông minh cho ABC thuộc về DEF...”. Dày đặc “bởi” và “thuộc về”. Sáng tạo nên những câu vô nghĩa: “mở tỷ số trận đấu’, “trận đấu chưa có tỷ số”, “tỷ số nghiêng về...”, chưa nói việc đọc tên riêng nước ngoài mỗi lúc một khác. Nếu một người Việt, chắc hẳn sẽ nói: “A bị B đá phạm lỗi”, “đường chuyền thông minh của DEF cho ABC” hoặc “đường chuyền thông minh cho ABC vừa rồi là của DEF”... Còn những lỗi do tư duy thì vô kể, ví dụ như “Nếu như A sút trúng cầu môn thì có thể đã thành bàn”. Cứ cấu tạo câu “Nếu... Nếu... “ như vậy thì có phải là lời bình nữa không. Những người dẫn chương trình khác cũng hiếm người có ý thức về tiếng Việt trong sáng, nhất là việc chuyển ngữ từ ngôn ngữ nước ngoài. Có phát thanh viên nói: “Cuộc thi Việt Nam Ai - đồ”, sao ngay từ đầu không đặt cuộc thi là “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam”. Hoặc thuyết minh phim ngoại, nhất nhất phim Trung Hoa hay Hàn Quốc, cứ cổ trang là “huynh, đệ” là “mẫu thân”, “phụ thân”. Phim Hàn quốc, rõ ràng diễn viên phát âm “mama” đầy âu yếm, nói chuyện ở nhà áo ngắn phòng ngủ, vẫn dịch “mẫu thân”... Nghe ti vi, rõ ràng thấy tiếng Việt nghèo nàn thảm hại, không thể chuyển tải hết sắc thái tình cảm của con người.
Gần đây, có nhiều bài báo kêu ầm ĩ lên về nguy cơ của “ngôn ngữ blog”. Có lẽ cũng lo nhưng ở đây vấn đề không đáng làm ầm ĩ thế, khác với ảnh hưởng của TV, vì blog chỉ lưu hành trong diện hẹp những người dùng mạng, vẫn chỉ là dạng ngôn ngữ viết thời thông tin mạng, tất yếu phải thế. Nó là một dạng ký hiệu rút gọn, sau rồi qua thời gian, ký hiệu nào sống bền, nó sẽ mang nội hàm mới, chuyển tải lượng thông tin mới. Chữ viết nào trên thế giới phát triển năng động cũng có rất nhiều chữ tắt kiểu như “OK” hay “Mc” của tiếng Anh. Trong vấn đề này, văn học có vai trò quan trọng, chính ngôn ngữ văn học sẽ nâng cao ngôn ngữ viết và ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ nói, chứ ngôn ngữ Blog sẽ thay đổi theo công nghệ nâng cao của mạng.
Lại có một loạt bài lăng xê cái gọi là “thư pháp Việt” nữa chứ. Đây mới là nguy hại cho chữ Việt hơn nhiều so với chữ trong blog. Bóp méo tiếng Việt, vẽ vời không đáng phải thế. Chữ Việt ghi âm, chứ đâu phải loại chữ tượng hình. Phải chăng báo chí là tòng phạm vô tình trong chuyện lăng xê những “nhà thư pháp”. Bệnh báo chí này giống bệnh của lớp trẻ, thích “nổ”, thích “vẽ vời” mà không biết cái mới nhiều khi vẫn là cái xấu, không phải là cái đẹp.
Chủ Nhật, tháng 10 07, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét