truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Ba, tháng 9 27, 2005

Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, tác giả của bộ tiểu thuyết An Lạc Dưới Trời

Bài này tôi đã post tuần trước, nhưng hình như đã convert font chữ chưa chuẩn, nên có một số bạn comment đến nói là không đọc được, hôm nay tôi post lại


Bối cảnh của tiểu thuyết là những năm giao thời giữa thế kỷ 16 và 17. Khi đó Nguyễn Hoàng từ kinh đô vào trấn thủ Thuận Hoá và Quảng Nam đã được gần 50 năm. Bộ sách gồm 2 quyển. Quyển 1 “Vườn An Lạc ”chủ yếu kể về những sự việc xảy ra ở phủ Kinh Môn và kinh thành Đông Đô, đặc biệt là trong khoảng thời gian Nguyễn Hoàng kéo quân vào Thuận Hoá lần cuối cùng. Quyển 2 “An Lạc dưới trời ”kể về những ngày hành phương Nam của những nhân vật chính. Qua biến thiên của các sự kiện, hai nhân vật nam nữ chính gặp nhau và họ tìm thấy hạnh phúc trong an cư lạc nghiệp.

“Đây là một bài ca ca ngợi lao động và trí tuệ, kính dâng những bậc tiền bối đã có công từ Thăng Long mang gươm đi mở nước, nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc của tiền nhân” (Tạp chí Nhà văn Việt Nam số 10/2003 đã trích đăng 8 chương đầu của bộ tiểu thuyết này và trong lời giới thiệu đã khẳng định như trên).

Thưa nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, bộ tiểu thuyết Vườn An Lạc và An Lạc dưới trời có phải là bộ tiểu thuyết lịch sử không?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Tiểu thuyết lịch sử ư? Việc phân loại thể loại tiểu thuyết là công việc của nhà phê bình, hay do độc giả, hay là do chính bạn. Còn tôi, khi đặt bút viết, tôi chỉ tâm niệm rằng tôi sẽ viết một bộ tiểu thuyết. Tôi quan tâm đến nhân vật, cốt truyện, bối cảnh… vân vân… Nghĩa là tôi hoàn toàn không nghĩ mình phải viết cho ra một tiểu thuyết lịch sử hay không phải tiểu thuyết lịch sử?

Vậy quan niệm của anh về tiểu thuyết lịch sử ?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Khi tôi khi đặt bút viết, chỉ có một tâm nguyện là trải hồn mình lên tác phẩm, sáng tạo lên một thế giới riêng, mà bối cảnh là một thời kỳ lịch sử. Tôi không quan niệm là cứ phải viết như những người viết trước đây đã viết tiểu thuyết đề tài lịch sử. Nếu như cứ viết như các nhà viết tiểu thuyết đã viết về đề tài lịch sử thì mới là “tiểu thuyết lịch sử” thì xin được đặt tôi ra khỏi sự phân loại ấy.

Nhưng có một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết về lịch sử của Việt Nam cho rằng, cần phân biệt tiểu thuyết lịch sử là khai thác lịch sử và phải tôn trọng lịch sử, khác với tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết võ thuật. Vậy ý kiến của anh như thế nào?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Điều đầu tiên là khi anh viết về bất cứ một giai đoạn nào trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, anh đều phải trung thành với các sự kiện lịch sử. Điều này không chỉ là nghĩa vụ của các nhà văn viết về giai đoạn lịch sử đã xa, mà ngay viết về thập kỷ trước, năm ngoái, anh cũng phải trung thành với sự thật. Nhưng không có nghĩa là nhà văn làm công việc sao chép và minh họa lịch sử, nhà văn không phải là nhà sử học, không phải nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mà đầu tiên và mãi mãi phải là nhà văn.

PV: Xin anh nói rõ hơn?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Nếu chỉ vì viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử mà tôi được gọi là nhà nghiên cứu lịch sử thì tôi thấy đó là một điều đáng buồn. Bởi vì thứ nhất là xúc phạm các nhà nghiên cứu lịch sử, và thứ hai là, có lẽ qua tiểu thuyết của tôi, người đọc đã không nhận ra tôi là một nhà văn nữa. Khi Nguyễn Du viết truyện Kiều, Nguyễn Du sống vào thời nào, tương ứng với triều đại nào của Trung Quốc, thế mà truyện Kiều viết về thời kỳ lịch sử nào? Đó là năm Gia Tĩnh triều Minh. Alexander Dumas viết Ba chàng lính Ngự Lâm, hay Víchto Huygo viết Nhà thờ Đức bà, hay Lep Tonxtoi viết Chiến tranh và Hoà bình… Các ông đều sống cách thời kỳ miêu tả trong tác phẩm rất xa, sao không gọi các tác phẩm ấy là “tiểu thuyết lịch sử”? Hay là họ đã xuyên tạc lịch sử ư? Kim Dung viết các tiểu thuyết lấy bối cảnh là thời kỳ Tống, Nguyên, Minh, Thanh có phải đã không trung thành với lịch sử không?

PV: Tạm đồng ý với anh là không nên cho cái gọi là “tiểu thuyết lịch sử” một cái áo, nhưng có ý kiến cho rằng anh đã hư cấu quá nhiều?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Đó là chê hay khen đấy nhỉ? Nhà văn khác nhà sử học ở điều duy nhất là anh được hư cấu, hay là đúng hơn là anh phải hư cấu trong tác phẩm của anh. Kinh Kha đi ám sát Tần Thủy Hoàng, Tư Mã Thiên chỉ viết 2 trang trong chương “Thích khách liệt truyện” của Sử ký, thế các nhà làm kịch bản phim “Lửa thiêu cung A Phòng” đã dựng đến 30 tập, rồi Trương Nghệ Mưu làm phim “Anh hùng” lại khác hẳn... Bộ tiểu thuyết của tôi viết về thời kỳ giao thời giữa thế kỷ 16 và thế kỷ 17, thời kỳ Nguyễn Hoàng kéo quân vào Đàng Trong, có thể trước tôi có rất nhiều người viết về Nguyễn Hoàng, nhưng Nguyễn Hoàng trong tác phẩm của tôi là “ông già mắt cú” của riêng Nguyễn Xuân Hưng. Tôi rất khâm phục các nhà sử học, bởi vì thứ nhất tôi không thể làm công việc của họ, họ làm khoa học, họ tư duy logic, còn tôi là nhà văn, tôi để trí tưởng tượng bay bổng, dựng lên một thế giới của riêng tôi, tôi tư duy bằng hình tượng. Nhưng nếu không có các nhà sử học, thì đôi cánh của trí tưởng tượng của tôi chỉ là đôi cánh mà giống như không có cơ thể của loài chim, không thể bay lên được. Trong tiểu thuyết của tôi, tuyệt đối không có chi tiết nào không đúng với chính sử. Chỉ có các sự kiện mà chính sử không chép mà thôi, và nếu có một nhân vật là nhà sử học sống vào giai đoạn đó, ắt hẳn ông ấy sẽ chép hoặc làm chứng cho tôi đúng là như vậy.

* PV: Vì sao anh lại chọn thời kỳ Nguyễn Hoàng kéo quân vào Đàng Trong để làm bối cảnh cho bộ tiểu thuyết của mình?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Đó là giai đoạn mở đầu cho việc khai phá phương Nam, là một giai đoạn đầy kịch tính, khi Nguyễn Hoàng bỏ Thăng Long vào Đàng Trong, bắt đầu hơn 200 năm các chúa Nguyễn rồi đến 143 năm các vua Nguyễn. Nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng là một nhân vật được sử sách qua các giai đoạn viết với thái độ rất mâu thuẫn. Riêng tôi, tôi cho rằng, ông đã sống với thời đại của mình, là một người quả cảm, là một người cầm quyền khôn khéo, một người chinh phục và khai phá đất đai, chinh phục nhân tâm. Đối với lịch sử dân tộc, ông cũng xứng là một người có công, một anh hùng dân tộc. Song, trong bộ tiểu thuyết của tôi, bối cảnh lịch sử chỉ là cái khung và tôi treo bức tranh tác phẩm vào đó. Nói chung các nhân vật chính lại là các nhân vật hư cấu, các nhân vật lịch sử có thật thì chỉ là các nhân vật phụ, kể cả Nguyễn Hoàng.

* PV; Đây là độ tiểu thuyết đầu tay anh trình làng mà lại được giải cao. Giải B trong cuộc thi tiểu thuyết 2 năm 2002-2004 của Hội Nhà văn, có người cho rằng anh là người sát giải, anh nghĩ như thế nào?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Dự thi văn chương không chỉ nhằm vào cái thú được giải. Điều thú vị đầu tiên là được một tầng nấc nhiều người đọc không phải độc giả thông thường. Họ là những nhà văn tên tuổi sáng láng, kể cả những nhà văn yêu thích mình lẫn những người mình biết trong làng văn họ không thích mình, mà vẫn phải đọc tác phẩm của mình. Cái thú cuối cùng mới là thú được giải. Nhưng giải thưởng văn chương chỉ như một sự may mắn, nếu ban giám khảo khác, có thể anh sẽ được giải cao hơn hoặc chẳng được gì. Nhà văn sống trước hết là nhờ có độc giả rộng rãi.

*PV: Thưa nhà văn trong An lạc dưới trời, có cảm giác anh đã tận dụng và khai thác triệt để các cảnh ăn chơi của quan lại, miêu tả tình dục có phần đi hơi quá, điều này có phải là việc làm cho phong phú và tươi mới thêm cho bộ tiểu thuyết về đề tài lịch sử vốn bị coi là khô khan?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng : Giống như phim ảnh thì việc mô tả các cảnh tình cảm trong tiểu thuyết giống như người đi trên dây, nếu vừa phải thì anh thăng bằng còn nếu quá lên thì là sa vào nguy hiểm và thấp kém. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tôi chỉ động đến các chi tiết ấy khi nào chúng góp phần khắc họa tính cách nhân vật, phục vụ cho cốt truyện. Lịch sử vốn là như vậy, không có lịch sử khô khan. Đề tài lịch sử bao giờ cũng gây cảm hứng cho tôi, tôi không quan niệm về các bài học lịch sử là khô khan.

PV: Trong cuốn tiểu thuyết, anh đã đề cập đến nhiều vấn đề, việc ra đời chữ quốc ngữ, sự xuất hiện đầu tiên của Thiên chúa giáo (nhân vật Pinô người Bồ), việc kinh doanh buôn bán với nước ngoài của cácthương gia (Bá Hòe, phó Bạc), bang giao với phương Tây, lựa chọn sự tiên tiến và lý luận lạc hậu, chế tác các vũ khí mới... Vậy chung quy thông điệp của anh là gì nữa?

Nguyễn Xuân Hưng: Tiểu thuyết này phản ánh một thời kỳ hào hùng của dân tộc. đại Việt trước kia cô lập với thế giới, đến giai đoạn Nguyễn Hoàng thì Đại Việt đã là một bộ phận của thế giới, lúc đó dân tộc ta đứng trước sự lựa chọn mở cửa và khép kín, đối đầu và đối thoại, văn minh và lạc hậu, học thuyết mới và cổ điển... Tất cả các vấn đề này được giải quyết ở thời kỳ hình thành nên Đàng Trong được các chúa Nguyễn giải quyết rất triệt để. Thay cho việc lấy nông tang làm căn bản, các chúa Nguyễn đã lấy thương gia, dựa vào xây dựng các khu thương mại làm chỗ dựa. Đó là giai đoạn khởi đầu của miền Nam và là giai đoạn cách tân đáng nhớ của dân tộc, đó là giai đoạn kịch tính mà con người bộc lộ được số phận. Một thông điệp cuối cùnglà giấc mơ về Vườn An Lạc, giấc mơ về hạnh phúc, khi đó con người Đàng Ngoài chật cứng lễ giáo chỉ có thể thấy ở miền đất mới Phương Nam. Tôi tin rằng tôi đã phản ánh đúng tinh thần và sự sôi động của thời kỳ lịch sử này.

* PV; Ngoài số phận của các nhân vật chính như Kỳ Hoa, Ba Bị, Nguyễn Hoàng, Triệu Quận công ... theo tôi một nhân vật rất ấn tượng đó là Tổng Binh Văn Thụ, nhân vật tri thức, toàn tài, có lối suy nghĩ cách tân, nhưng không được triều đình trọng dụng mà phải chết, tại sao vậy ?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Kẻ sĩ trong các triều đại phong kiến luôn luôn được thấm nhuần tư tưởng trung quân, ái quốc. Những trí thức hàng đầu của thời đại thường có những kiến giải, kiến thức vượt thời đại, và nói chung bi kịch là triều đình không hiểu được. Tổng binh Văn Thụ đã đã tiếp thu các kiến thức văn minh của thế giới phương Tây, mong sớm áp dụng khoa học tiên tiến, canh tân đất nước. Các chúa Nguyễn cũng là những vị minh chúa, đã khai phá, chinh phục Đàng Trong, yên dân, nhưng chưa đủ tầm để đồng cảm với cách nghĩ canh tân đất nước của một trí thức như Văn Thụ. Qua nhân vật này, tôi muốn đưa ra một thông điệp về bài học dùng người, một điều mà các triều đại phong kiến nước ta rất trăn trở, đã khắc thành bia đá trong Văn Miếu triết lý “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng từ lý thuyết đến thực tế là cả một khoảng cách.

* PV: Nhân vật Phạm Thị Kỳ Hoa xuất thân con quan, lớn lên trong cảnh lá ngọc cành vàng, đã có một mối tình với một công tử Thăng Long nhưng không thành. Vì sao nhà văn lại cố ý đưa đẩy và gán cô ấy với chàng Ba Bị, một nhân vật du thủ, du thực?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Trong đội quân của Nguyễn Hoàng chinh phục phương nam có có quí tộc, có du thủ du thực, có những anh hùng hảo hán... Họ có thể có địa vị xã hội khác nhau ở Đàng Ngoài chật cứng lễ giáo, nhưng họ đều là các cá nhân có sức sống mãnh liệt. Nếu không thế, thì họ làm sao sản sinh ra hậu duệ là các thế hệ chinh phục được cả dải đất phương Nam. Khi thoát khỏi lễ giáo của xã hội Đàng Ngoài, họ đến Đàng Trong, một dải đất mà lễ giáo lỏng lẻo, con người đối diện với thiên nhiên, với sự sinh tồn, được sống thực với mình. Kỳ Hoa, một nữ tính điển hình chỉ có thể an cư lạc nghiệp với một con người nam tính mạnh mẽ.

* PV: Tiểu thuyết của anh, anh không cho là tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng nhân vật chính nào cũng biết võ và rất nhiều cảnh giao đấu võ thuật, anh giải thích điều này như thế nào?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Nhân vật Ba Bi là một anh chàng ngang tàng phóng túng, vô gia cư, nên anh ta có võ, đấy là do anh ta chứ không phải tôi “cho” anh ta có võ. Kỳ Hoa trong bản thảo đầu tiên là một nhân vật yểu điệu thục nữ, nhưng tôi nghĩ lại, một yểu điệu thục nữ khi xảy ra một cuộc thiên di lớn như vậy thì sẽ có số phận khác, chứ không thể có cảm hứng liên hệ với các nhân vật khác như tôi đã viết. Một nhân vật nhà sư có luyện võ, một vị Quận công Đô đốc cũng có võ công, đó cũng là thực tế khách quan, chứ tôi không cố tình làm ra, hay cố gán cho họ có võ công.

*PV: Anh là một nhà văn còn trẻ mà đề tài lịch sử lại là một đề tài dường như cần sự chiêm nghiệm, cần sự từng trải, vậy anh viết bộ tiểu thuyết “An Lạc dưới trời” có nghĩ đến sự thuyết phục đối với độc giả hay không?

-Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: -Tôi không còn trẻ, có thể tôi bắt đầu đến với sự nghiệp văn chương hơi muộn mà thôi. Tiểu thuyết về đề tài lịch sử không phải là độc quyền của những nhà văn già, có thể đề tài lịch sử cần sự hiểu biết nhất định về lịch sử, về văn hoá dân tộc và điều đó cần người viết đến độ tuổi tác nhất định. Nhưng có một đặc điểm là, dù tác giả có già đến mấy, thì cũng giống người trẻ một điều, đó là tất cả đều không chứng kiến, không sống thực ở giai đoạn lịch sử đó. Cản hứng về lịch sử và cảm nhận tinh thần lịch sử thì không phải đặc quyền của riêng ai.

Thực hiện Nguyễn Thị Bích Yến 15/8/05

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3