truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Sáu, tháng 9 30, 2005

Đời vui nhỉ?

Đời vui nhỉ?

Trong bài viết về Cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 của Hội Nhà văn Việt Nam, ông Bùi Việt Thắng (đăng trên báo Nhân dân, sau đó VnExpress.net đăng lại) có đoạn viết:

“Có tác giả trẻ lật lại quá khứ, soi sáng lịch sử như Nguyễn Xuân Hưng với An lạc dưới trời và đã chớm thành công khi tác phẩm đoạt giải thưởng loại B (ý tưởng là táo bạo nhưng khi thể hiện ra câu chữ có vẻ như tác giả trẻ này nhiều chỗ học đòi lối viết của một nhà văn đàn anh nổi tiếng trong lĩnh vực truyện ngắn hiện nay)”

Ông Bùi Việt Thắng có tên trong danh sách Ban giám khảo cuộc thi tiểu thuyết kể trên. Đây là một bài gần như tổng kết, đánh giá cuộc thi với cái nhìn cá nhân của ông Thắng. Trong bài viết của ông, mỗi khi nói đến cuốn sách nào (trừ An lạc dưới trời), thì gần như ông tóm tắt cuốn ấy nói về cái gì, khen một tý, không chê tý nào, nói chung ông viết với giọng khá trung tính. Nhưng rất lạ là khi nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Hưng thì ông Thắng lại mở ngoặc hạ một câu không nghiêm túc lạ lùng như vậy.

Thứ nhất, không ai cấm ông Thắng chê. Người viết được phê bình có khi là may mắn. Nhưng vấn đề là thái độ của người phê bình như thế nào?

Phê bình như ông Thắng mở ngoặc trên đây thì không phải là phê bình tác phẩm, mà là phê bình tác giả “học đòi”. Đấy là nói cho nhẹ đi, đúng ra ông Thắng mắng tác giả “học đòi”. Học đòi cái gì? “Học đòi lối viết”.

Dường như khi viết bài phê bình đăng trên báo, ông Thắng quên mình là một nhà phê bình, mà lầm lẫn rằng mình đang đứng trên bục giảng, mắng đứa học trò đáng ghét đang nói chuyện trong lớp không nghe ông giảng vậy? Phê bình theo kiểu hạ nhục tác giả như vậy không phải kiểu cách của nhà phê bình chân chính. Tôi từng biết những nhà phê bình rất đáng kính, họ viết phê bình không như vậy. Ông Thắng cũng học đòi làm một nhà phê bình chăng?

Thứ hai, ông Thắng hạ một câu chung chung, “nhiều chỗ học đòi lối viết của một nhà văn đàn anh nổi tiếng trong lĩnh vực viết truyện ngắn”. Lạ lùng. Ông Thắng đã đưa ra một chuẩn mực của riêng ông, hệ quy chiếu của riêng ông để áp đặt cho bạn đọc. Đến nỗi nhiều người, tất nhiên là cả tác giả cũng ngớ ra hỏi nhau nhà văn đàn anh của ông Thắng là ai. Nhà văn đàn anh ấy của ông Thắng được những ai thừa nhận? Đoạn nào Nguyễn Xuân Hưng học đòi ông ta? Kết quả là, với lối bình phẩm tung hỏa mù, mục tiêu là ông truyền thông điệp cho người đọc bài phê bình của ông rằng “tôi không khoái quyển sách ấy, bạn cũng vậy, đừng thích nó, vì tác giả của nó nhiều chỗ học đòi...”

Thực ra, chỉ có ông Thắng sợ sệt “một nhà văn đàn anh” của ông đến mức không lúc nào dứt ông ta ra khỏi đầu óc mình, lấy ông ấy làm chuẩn mực mà thôi.

Tôi từng ước ao được nghe một lời phê bình tử tế, nhưng ông Thắng thì phê bình như trên. Còn ông Giáo sư Phong Lê thì lại nhận xét 1 câu xanh rờn như thế này: “nhớ được một cặp nhân vật là Phạm Kỳ Hoa và Ba Bị Phạm Quý Hào và mối tình xuyên thời gian của họ”. Hỡi ôi, giám khảo mà đọc tiểu thuyết dự thi như thế thì hết lời bàn rồi. Làm gì có mối tình nào giữa hai người ấy trong sách của tôi. Ông Phong Lê chắc là không đọc, viết hồn nhiên quá, còn ông Thắng thì có đọc nhưng đọc với tâm thế của một nguời dạy dỗ viết truyện ngắn.

Tôi vừa đọc được một bài blog của bạn Nhữ Đình Thuần mang tên “Đời buồn”, nhưng qua đó thì thấy bạn rất vui sống. Tôi bèn đặt tên cho bài báo này là “Đời vui nhỉ?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3