Khi ách tắc giao thông đô thị, quan chức Hà Nội bèn nghĩ ra cách cấm đăng ký xe máy ở các quận nội thành. Khi có nạn rải đinh, các quan chức TPHCM liền dự kiến quản lý người vá xe bằng cách cấp giấy phép cho... nghề vá xe. Trước nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, quan chức ngành điện nghĩ ngay ra cách thay toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact, tiến tới cấm hẳn sản xuất bóng đèn tròn sợi đốt...v.v
Đó chỉ là 3 sự việc nổi lên mà giải pháp nhà quản lý đưa ra, công khai cho bàn dân thiên hạ, chứ không nói đến cung cách giải quyết các thủ tục hành chính khác ít người biết, chỉ có đương sự lãnh đủ sự nhiêu khê...
Cấm đăng ký xe máy, nhưng chưa có đề tài nghiên cứu hoặc cuộc thanh kiểm tra nào kết luận xem xe máy trên đường phố thủ đô có giảm đi hay không? Nhà cần một cái xe máy, dù có lệnh cấm nhưng vẫn phải mua, thế là mua xe của người bán xe, cộng với dịch vụ đăng ký xe nữa, là được cái giấy đăng ký tên người lạ hoắc, và cứ việc lưu hành xe.
Không có ai đảm bảo rằng, cấp giấy phép cho những người vá xe thì bọn rải đinh sẽ không rải đinh nữa. Tuần vừa qua, công an Hà Nội bắt được một nhóm 3 thanh niên rải đinh, thực ra chúng không phải là người vá xe, vậy giải pháp cấp giấy cho người vá xe có liên quan gì đến chuyện này?
Các cấp ngành điện và các quan chức ngành kế hoạch đã tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc, giấy mực để hoạch định kế hoạch, làm tổng sơ đồ điện này nọ, thế mà đùng một cái, việc thiếu điện hiện lên ngay trước mắt. Các nhà quản lý điện viện lý do “tốc độ phát triển quá nóng” thật là không nghe được. Tốc độ phát triển GDP luôn mấp mé ở mức thấp so với kế hoạch, sao có thể nói là “quá nóng”? Nhưng ngành điện vẫn có cách giải quyết là tìm ngay ở lỗi người tiêu dùng, mà không cần biết đến nhu cầu vốn đa dạng, không phải mọi thứ đèn đều có thể thay hết bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact?
Còn nhớ, cách đây vài năm, các nhà quản lý nhà nước đã hết sức cổ vũ cho việc thực thi Luật Doanh nghiệp, bỏ hàng trăm giấy phép vô lý, nay xem chừng nạn đẻ ra các giấy phép vẫn hoành hành. Khi không đẻ được ra giấy phép thì dùng ngay lệnh cấm là dễ nhất. Quan chức tìm giải pháp cho các chính sách quản lý nhà nước theo kiểu ấy quả là lấy quan làm gốc, trăm sự sửa lỗi đổ lên đầu dân cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét