1. Kinh Môn nơi đâu?
Kinh Môn ngày nay là một huyện của tỉnh Hải Dương, một huyện tương đối đặc biệt so với các huyện khác của tỉnh vốn được mệnh danh là tỉnh nông nghiệp. Một dãy núi đất trong hệ thống núi vòng cung Đông Triều làm xương sống của cả huyện. Về núi non, Kinh Môn cảnh trí tương đối giống Chí Linh, nhưng Kinh Môn còn đặc biệt là có những núi đá xanh rải rác, sông bao bọc, cánh đồng rộng lớn. Trong các sách thường phân loại Kinh Môn là huyện bán sơn địa, nhưng nếu không đến Kinh Môn, thì không thể hình dung sự đặc sắc của thiên nhiên Kinh Môn.
Ngày nay, huyện Kinh Môn được xếp vào huyện miền núi, nhiều xã là xã miền núi trong danh sách hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng cũng chính nơi đây, một phần huyện Kinh Môn, nơi trước đây là khu vực chắn giữa sông Kinh Thày, Đá Bạc vốn là nơi đìu hiu, nghèo nàn nhất của huyện, chậm phát triển nhất tỉnh, thì nay lại là nơi có khu vực công nghiệp xi măng lớn nhất nước, đô thị hóa rất nhanh, ra đời đồng thời hai thị trấn lớn. Khu vực này đúng là một con gà gáy cả ba tỉnh cùng nghe, là nơi ngã ba tiếp giáp biên giới của Kinh Môn (Hải Dương)- Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Dãy núi có đỉnh cao nhất là An Phụ chia huyện thành hai phần, phần Tây tiếp giáp sông Kinh Môn chạy song song với quốc lộ số 5 ruộng đồng bằng phẳng, từ Thăng Long, Quang Trung giáp Bến Tuần Mây kéo đến bến Nống (An Lưu) là một cánh đồng vựa lúa, sánh với bất cứ cánh đồng nào của Gia Lộc, Tứ Kỳ vốn nổi danh lúa gạo. Phần bên Đông núi An Phụ, dân vừa làm ruộng, vừa sinh sống với sông Kinh Thày, vốn là nơi trên bến dưới thuyền, nghề chài lưới lẫn với thương hồ hình thành tính cách quả cảm của dân Kinh Môn, có những con người còn lưu dậm dấu vết trong sử sách.
Thuở xa, khi bà Lê Chân lập trang An Biên khai phát khu vực Hải Phòng ngày nay, chắc chắn Kinh Môn không xa biển. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Thừa tuyên Hải Dương có 4 phủ, 18 huyện thì Phủ Kinh Môn là một trong 4 phủ, quản 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, Kim Thành, An Lão, An Dương, Nghi Dương và Thuỷ Đường. Đối chiếu với bản đồ ngày nay, Kinh Môn chỉ còn là danh chỉ huyện Giáp Sơn xưa, trừ các huyện Kim Thành, Đông Triều cơ bản là đất cũ, các huyện còn lại chính là nằm lọt trong phần lớn Thành phố Hải Phòng ngày nay.
Vùng đất thuộc phủ Kinh Môn chắc chắn có một giai đoạn phát triển mạnh, vì nằm giữa Chí Linh quê gốc và Dương Kinh nơi đất căn bản của họ Mạc. Nhưng cuối triều Mạc, bắt đầu Lê Trung hưng phải gánh chịu nhiều cuộc tàn phá ghê gớm. Một phần do sự suy tàn của triều Mạc, một phần đây chính là địa điểm đường thủy nối Tây đô Thanh Hóa với Đông đô, cuộc chiến phò Lê và tồn Mạc đã làm cho cả vùng thành chiến địa. Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1598, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đã từ Thăng Long, vâng mệnh vua Lê Thế tông, kéo về Kinh Môn thảo phạt “giặc ngụy”. Sau khi nhà Mạc chạy dài lên phía Bắc, thế lực chống triều đình mạnh nhất tập trung ở Thuỷ Đường (nay là Thuỷ Nguyên), rồi Đông Triều, Kim Thành, Thanh Hà, An Dương… đều không thần phục triều đình. Nhưng duy chỉ có Giáp Sơn là không thấy nói có “ngụy”, và chắc chắn Nguyễn Hoàng đã kéo quân theo đường thủy đến phủ lỵ Kinh Môn làm bản doanh để làm cuộc chinh phạt. Chính vùng sông nước từ Kinh Môn đến Đồ Sơn, nằm trong khu vực phủ Kinh Môn xưa, hai trăm năm sau lại là vùng đất hoạt động của Quận He Nguyễn Hữu Cầu chống lại triều đình. (Ghi chú: Quyển tiểu thuyết “Vườn An Lạc” của Nguyễn Xuân Hưng chính là viết về giai đoạn này của Kinh Môn)
Ngược dòng lịch sử, Kinh Môn có một vùng di tích vốn là trang ấp của An Sinh vương Trần Liễu, thân sinh Đức Thánh Trần Hưng đạo đại vương. Trang ấp này ngày nay thuộc xã An Sinh, dưới chân núi An Phụ. Chính sử chép nhà Trần phát tích từ Thiên Trường, nhưng hàn vi mấy đời đánh cá trên sông, cứu công chúa nhà Lý trên sông. Ngày xưa, con sông Bạch đằng đổ vào hệ thống sông Thái Bình rồi lên kinh thành chính là đường thủy quốc lộ chính, địa vật ngày nay chắc khác xưa nhiều, con cháu nhà Trần có thể đánh cá dọc sông Kinh Thày hay không, nhưng chắc chắn An Phụ có vị trí tâm linh cao quý đối với họ Trần. Bằng chứng là sau này, các đời vua từ Minh Tông trở về sau đều không phải an táng ở Thiên Trường (Nam Định) mà an táng tại An Sinh. Có sách nói An Sinh ngày nay thuộc Đông Triều, nhưng tôi ngờ là nhầm. An Sinh vốn là trang ấp cổ của dòng trưởng họ Trần, các đời vua sau đều là con cháu của cả dòng Trần Cảnh lẫn Trần Liễu, chắc chắn phải chọn nơi đất phát của họ để an táng. Tiếc rằng sau khi Trương Phụ đánh bại nhà Hồ, đã cho tàn phá tất cả những di tích của nước ta, nhất là những dịa danh gắn với các vị vua chống ngoại xâm. Ngày nay, tượng Trần Quốc Tuấn đặt tại đỉnh An Phụ, thấp hơn đền Trần Liễu quả là đắc địa và đúng với tâm linh lịch sử. Chính An Sinh chứ không phải Thiên Trường mới là nơi Trần Quốc Tuấn sống thuở ấu thơ, gắn bó với trang ấp của cha, gần với phủ đệ Vạn Kiếp chỉ vài giờ đi thuyền.
Một di tích nổi tiếng nữa của Kinh Môn là động Kính Chủ. Động nằm trong quần thể núi đá xanh cách An Phụ vài ba cây số. Chắc rằng thời Lý, Kính Chủ là nơi trung tâm Phật giáo, trước khi các nhà tu hành phát hiện ra An Tử. Chính sử chép nơi đây có 49 hang động, lầu son gác tía. Lý Thần tông được nhà Trần cho tu ở đó, thực chất là an trí. Nay di tích này không còn nhiều, hầu như chỉ còn phế tích. Vấn đề của Kính Chủ cũng là vấn đề chung nan giải của cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét