truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Năm, tháng 10 27, 2005

Thời gian sống… Kỳ 1


1.

Nếu những ngày đang sống cứ bình thưòng trôi qua, sáng hối hả đến cơ quan, chiều vội vã trở về nhà... thì hẳn đã không có truyện này. Tôi thường nghe rằng truyện là hư cấu, nhưng có những lúc tôi tự hỏi, vậy thì kể lại có những đoạn đời thực không cần hư cấu có phải là một truyện ngắn không?

Tôi bị ốm. Đầu tiên là những cơn đau bụng lâm râm, rồi đến lúc phải rất khẩn trương, có khi chiếm giữ phòng toa-let của cơ quan đến nửa giờ mà vẫn không giải quyết được nhu cầu gì của mình. Ăn uống cũng chẳng ra sao cả, cảm giác chán ăn rình rập. Khi một cơ thể sống không còn làm được tốt chức năng đồng hoá và dị hóa, cơ thể ấy đang bị bệnh. Sau khi chiếu, chụp, gõ, đập, nghe, bác sĩ phán tôi bị viêm dạ dày, loét hành tá tràng và cho một lô thuốc, lại còn khuyến cáo đừng tưởng bệnh dạ dày là bệnh chỉ về đường tiêu hoá, mà đó là một loại bệnh liên quan đến thần kinh. Đừng cãi nhau với đồng nghiệp, đừng làm cho ông sếp cáu, dẫn đến anh cũng bị tổn thương thần kinh, đừng nói dối vợ đi làm ngoài giờ, mà thực ra rẽ qua quán bia bù khú nói xấu cán bộ và tán chuyện bậy về trai gái. Chứ không ư? Đừng tưởng bác sĩ chúng tớ chỉ biết khám bệnh, tớ còn biết hai thằng đàn ông ngồi với nhau, chỉ được ba phút rồi thì thế nào cũng chuyển đề tài một là nói xấu chế độ, hai là nói bậy về trai gái.

Tôi buồn như chết một nửa cuộc đời. Sống mà không còn thú vui gì, rượu bia kiêng, đến đi sớm về muộn cũng kiêng tuốt thì còn gì nữa.

Một tuần sau, vẫn rất khó chịu, tôi lại đến bác sĩ khám lại. Lần này họ nghiên cứu tôi sâu sắc hơn, đòi lấy máu... Sau khi phân tích kỹ, phán tôi có thể bị viêm gan, cần phải điều trị kiên trì vài ba tháng và phải cách ly. Ông bác sĩ vốn thân tình với tôi, buồn bã bảo: “Bây giờ anh về đi, chiều đến lấy xét nghiệm viêm gan A hay B. A thì cách ly theo đường hô hấp, B thì cách ly hết mọi sự...”. Lại còn nói: “Tôi nói với anh như một người bạn: Viêm gan thì bác sĩ phán gì chỉ là nói phét, cứ điều trị kiên trì rồi nó tự khỏi”. Thấy tôi ngẩn tò te, ông ta nói chẳng rõ có phải an ủi hay là thật: “Người Việt Nam ta, cứ bốn người có một người viêm gan. Triệu chứng là hay gây sự...”. Nói thế là tế nhị đấy... Hiểu rồi, hiểu rồi! Bệnh khó chữa chứ gì? Tôi ra về, lòng buồn vô hạn, trăn trở không biết phải cư xử với người thân ra sao để mọi người khỏi phải lo lắng về mình, cuộc sống vất vả vốn đã chẳng có đầy rẫy nỗi lo rồi hay sao? Tôi cũng chả đi lấy xét nghiệm viêm gan A hay B nữa. Tôi có tiền sử bị bệnh phổi, nhỡ mà đến khám, ông hay bà bác sĩ gõ gõ, lại chiếu phổi, biết đâu lại tìm ra tiền ung thư phổi thì sao? Chi bằng cứ tự cách ly với cái thế giới đầy bệnh truyền nhiễm này đi.

Nhưng trong cái thời đại thông tin bùng nổ này, tôi không thể giấu được nỗi cay đắng của mình, nhiều bạn bè đã biết ngay bệnh tình, đến thăm hỏi. Rồi một ông bạn ở Hải Phòng tên là Phạm Văn Phong điện đến, bảo ở Đồ Sơn có ông bác sĩ chữa gan đông tây y kết hợp, thuốc gia truyền, hay lắm. Phong mời mọc nhiệt tình, phân tích điều hay lẽ phải, khiến tôi quyết định đến Hải Phòng xem sao, một là thăm bạn, hai là biết đâu gặp được Hoa Đà, Biển Thước.

Tình cờ trên xe tôi ngồi bên cạnh một cô gái trẻ, cô gái này có dáng người rất chuẩn, cao ráo, mắt tròn vo, gương mặt hiền lành, lúc đầu mới nhìn khó nói là đẹp, nhưng ngay sau đó nhìn quen rồi thì cũng khó nói là không đẹp. Đôi khi ta gặp những người bình thường, nhưng phút xa lạ qua rất nhanh, tự nhiên có cảm tưởng như đã quen họ rất lâu rồi. Cô này là một trường hợp như vậy. “Em tên là Niên, một cái tên con giai, anh nhỉ”, cô ta nói một cách tự nhiên. “Thế mới độc đáo”, tôi nói. “Cũng chả để làm gì”, cô ta nói như một lời than, nhưng mặt lại thản nhiên như không.

Lát sau có một ông khách đến ngồi chỗ ghế đầu phía trên, ông nói rằng rất may có khoảng trống lớn phía trước nên thoải mái duỗi chân hơn, già rồi mà. Tôi hỏi, anh bao nhiêu tuổi, ông bảo: “Kể ra cũng chưa già, nhưng tôi về hưu rồi” Hỏi rồi mới chợt thấy mình vô duyên, bây giờ người già và phụ nữ giống nhau, đều nên kiêng hỏi tuổi. ở Hà Nội, tôi vẫn thấy các ông về hưu sáng chiều đi đánh ten-nít, bia uống dăm mười vại, ngày thì trồng cây, tỉa hoa, tối có khi đi hát karaoke, đăng- xinh, còn bồ bịch em út ghê lắm. Còn ông này cũng về hưu nhưng nước da bợt bạt, lộ hầu, gương mặt gầy hốc hác. Ông nói: “Tôi vốn làm thợ xi măng, có bệnh silicô nên nghỉ sớm. Suốt thời gian đi làm, hít vào phổi mình bao nhiêu là bụi xi măng làm sao tính được. Nay hưu rồi, thằng con mở công ty trách nhiệm hữu hạn, mình vừa dưỡng già, vừa làm cố vấn cho nó”. “Tốt quá”, tôi thốt lên. Ông nhìn tôi, căn vặn: "Tốt gì?". “Bác hưu rồi, vẫn tiếp tục có điều kiện làm việc, thế là tốt. Với lại, silicô của bác là mãn tính, bác chung sống với nó chứ có sao đâu? Đồng bằng sông Cửu Long mình chung sống với lũ mà vẫn bội thu lúa đấy”. Tôi định nói cái bệnh của tôi mới là gay, nhưng ông đã cười hề hề, ra vẻ dễ dãi, chắc coi chuyện an ủi của tôi đáng buồn cười lắm: “Thế cho nên sống được ngày nào thì cố gắng sống. Mình phải ý thức được thời gian sống mới được”.

Tôi giật mình, không cưỡng được một hành động bất nhã là nhìn lại ông ấy. Bởi vì tôi bất ngờ tưởng rằng ông ấy biết hết câu chuyện bệnh tật của mình mà đâm ra an ủi mình? Lại còn "ý thức được thời gian sống", thật là một người lạc quan yêu đời. Ông tiếp tục mạch yêu đời: “Thằng con tôi có một công ty. Tôi làm quản lý cho nó. Mình ngày xưa cũng cán bộ, có kinh nghiệm. Nó bảo bố giúp con thì mình phải ra tay, còn chút gì truyền lại cho đời thì truyền chứ”

Tôi nghe thấy thế, tự thấy hổ thẹn quá. Hoá ra mình là kẻ bỏ đi. Mới có nghi vấn một chút bệnh tật mà đã mất hết ý chí, như kẻ ở chiến trường chưa biết kẻ thù đã buông súng bỏ chạy rồi. Đành chỉ ngồi, không biết nói gì nữa.

Đột nhiên cô Niên lên tiếng: “Cuộc sống thật bất công quá, anh nhỉ”, cô ta nhìn tôi: “Anh xem, bác ấy đáng lẽ được nghỉ ngơi, thì lại cứ phải cố gắng làm việc”. Trong âm sắc giọng nói ấy lộ vẻ bất cần. Cái giọng nói ấy rất đặc biệt, giống như tôi đã nghe thấy ở đâu rồi. Tôi hỏi: “Em làm gì ở Đồ Sơn”. Niên bảo: “Cũng là một việc thôi…”. Tôi đâm ra khó nghĩ. Cô này không ăn diện quá, nhưng cũng không úi xùi quá. Tôi bảo: “Cô giống một người chào hàng, bây giờ người ta gọi là tiếp thị. Hà Nội tôi thấy rất nhiều cô gái xinh đẹp làm công việc này trong khi chờ thời để tìm một việc khác căn bản hơn”. Niên nhìn tôi, không nói là tôi nói đúng, cũng không nói tôi nói sai: “Chúng em vào đời, chỉ thấy cuộc sống như đã sắp đặt sẵn rồi”. Ông Silicô bật lên: “Sai bét. Ngày xưa mới là sắp sẵn, Nhà nước nuôi anh ăn học, chỉ đâu phải đi đó. Bây giờ thằng con tôi đấy, nó cứ tự nó nó làm, ai có sức cứ làm…”. Tôi thấy cô Sơn nhấp nhỏm như định tranh luận, bèn nói: “Chỉ có tôi là tiến thoái lưỡng nan. Không thuộc ngày xưa và cũng không thuộc lớp người ngày nay. Tôi ở giữa giữa mới chết”. Ông Silicô trợn mắt: “Nói thế là sao?”. “Là thế. Khi tôi trẻ, hồi tôi mới ra trường thì người ta cần người có kinh nghiệm, nhất là các quân nhân vừa từ chiến trường giải phóng miền Nam trở về. Đến gần đây, cần xốc vác thì mình không còn trẻ nữa. Hồi đi bộ đội biên giới Tây Nam, ăn gió uống sương chút ít, nay trái gió trở trời đã như cái máy báo thời tiết rồi, quá bốn nhăm không còn đề bạt được, ở cơ quan đã là người bỏ đi, ra xã hội thì không bằng cánh trẻ con anh. Anh thử xem, thế không phải là sống dở, chết dở à?”. “Anh nói dở lắm”, ông Silicô nói

“Anh sướng không biết sướng. Cháu lại mơ được như bác và anh ngày xưa cơ...”, Niên nói. Tôi cười: “Dễ nghe nhỉ, thế các cô có biết chiến tranh là thế nào không? Có biết đói là thế nào không, thời sinh viên rồi thời đi bộ đội chúng tôi ăn độn bột mì luộc, nhìn thấy củ sắn mắt sáng như sao, đến nay thì đầy thứ ăn lại không thể nào ăn đi được. Đau thật, cô làm sao hiểu nổi”. “Đói mà có niềm tin, khổ đánh giặc cũng vì đất nước. Nhưng xung quanh no đủ, mà mình thất nghiệp, cái đói đó mới sợ?”. Tôi bật cười: “Cô này mơ mộng quá nhỉ? Thế thì thế này... Cô sẽ thành một bà cô già, qua tuổi xuân rồi mà chưa biết một mảnh tình nào. Đêm nào cô cũng sẽ khóc thầm vì người yêu mới chỉ hẹn nhau thôi đã hy sinh rồi. Cả thời con gái của cô chưa bắt đầu thì tuổi già đã đến. Cô gánh vinh quang chiến thắng, nhưng cuộc sống sau đó của cô thì buồn tẻ lắm đấy”. Niên nói cả quyết: “Cũng chả sao cả. Sống thế mới là sống”

Khi xe gần đến bến Tam Bạc, ông Silicô sửa soạn túi, cái xe quành vào đường bờ sông, tôi nhìn xa đã thấy một người quen. Đó là Hùng. Tôi vốn gặp anh ta ở nhà Phạm Văn Phong. Hùng đưa tay vẫy vẫy. Ông già thò cổ ra ngoài nhìn, bảo tôi: “Thằng con tôi nó đi đón tôi”. à ra thế. Anh ta đứng bên cái xe hai trăm năm mươi phân khối to kềnh. Tôi cũng thò cổ xuống. Hùng nhìn thấy tôi, cũng ngoác miệng cười…

Khi cái xe còn đứng đó ì ì chưa chạy tiếp thì tôi cũng thấy cô Niên đang nhìn xuống. Niên nhìn Hùng không ra quen, cũng không ra lạ. Hùng thì ngó lên sát mặt Niên, nói: “Chào em, xuống thẳng Đồ Sơn à?” Hùng vừa nói với tôi nghiêm túc, thế mà thoắt quay ra nói chuyện với Niên cười cợt, thái độ bờm xơm rất lạ… (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3