truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Sáu, tháng 10 28, 2005

Thời gian sống (kỳ 2=hết)

2.

Tôi đến nhà Phong, người nhà bảo Phong đi họp, đến tối mới về. Gọi điện thoại di động thì anh ta tắt máy, dĩ nhiên rồi, anh ta họp cơ mà. Vợ Phong cứ tha thiết mời tôi ở lại, tôi nhất định không ở. Bởi vì tôi ngại bệnh tật của mình, bác sĩ đã dặn cách ly, mình ở lại trong nhà người ta chả biết thế nào, sợ rồi mình hối hận không xong. Sợ nhất là sống trong một thế giới mà lẫn lộn chẳng biết ai nên là bạn, ai nên là thù. Tôi không nên là một người tạo nên nỗi sợ ấy cho ai.

Tôi đi ra bãi biển. Chiều biển sóng rất to, vỗ ì oạp vào bờ kè, tung bọt trắng xoá. Không gian đầy mùi tanh nồng của xác cá chết. Cữ này không phải mùa du lịch, không thể tắm biển được, bãi vắng, nhưng xe cộ trên đường vẫn đều đều làm thoi đưa nhịp sống của một khu nghỉ ngơi giải trí đã có thâm niên vào loại bậc nhất ở phía Bắc. Đồ Sơn vào đầu thiên niên kỷ mới vẫn chưa hoàn toàn là một khu du lịch theo kiểu nhịp sống hối hả của một đô thị. Xóm chài ở lẫn với khu nhà nghỉ. Thuyền cá về bến kề với bãi tắm trung tâm. Có một chút gì đó dân dã ở cái khu ăn chơi này.

Tôi đang tha thẩn thì bỗng nhìn thấy Niên. Cô ta mặc áp mỏng rộng cộc tay, gió thổi tung những nếp áo, da thịt cứ lồ lộ. Chúng tôi dĩ nhiên đã quen nhau rồi, nên ngồi xuống ghế đá bên bờ biển trò chuyện rất thoải mái. Tôi lại hỏi: “Em làm ở đây à?”. Hỏi xong rồi, lại thấy hơi thừa… “Anh chờ ai à?” Niên ngồi chân co chân duỗi, nhìn đăm đắm ra phía biển: “Tối nào em cũng muốn tắm, muốn nhảy xuống biển mà bơi lội, lặn ngụp cùng với sóng biển kia, cứ nghĩ nếu tung lên cùng với nó thì hay lắm…” Đôi mắt cô ta có thể nói là đẹp, giờ đây, tôi mới ngắm cô ta gần gặn, quả thật gương mặt cô ta đầy nữ tính, đẹp thuần khiết. Một vẻ đẹp toát lên sức mạnh của trí tuệ. Sao cô ta lại đến Đồ Sơn? “Nhưng khi em xuống biển rồi, em lại sợ nó cuốn đi và muốn lên bờ. Thích cũng thích nhưng rồi lại mệt, và cái chính là lúc nào cũng phải tắm lại trong nhà tắm…” Hình như cô ta vừa tắm táp xong, tóc vẫn ẩm chưa khô hẳn. Cô ta nói: “Em ra đây hong tóc, em không thích xấy tóc một tý nào?”

Một mùi thơm dịu dịu thật quyến rũ thoang thoảng quanh chỗ chúng tôi ngồi, dường như gió biển muốn thổi bạt đi, nhưng hương thơm ấy cứ quanh quẩn… Tôi biết đó là thứ hương thơm từ da thịt cô gái ngồi ở bên tôi. Tôi không khỏi thở dài, rồi bất ngờ kể về bệnh tật của mình. Tôi không biết làm sao lại thế. Kể một chuyện đáng lẽ phải giữ kín. Với ai? Với một cô gái mới quen…

“Bệnh của tôi dễ lây lắm đấy?”, tôi nói.

Niên cười. Cười nhìn tôi mà chả nói gì cả. Cô ta vẫn ngồi nguyên. Tôi không biết nói gì nữa. Gió biển càng chiều muộn càng thổi lộng. Sóng nước cũng dâng to hơn. Có những con sóng đánh tung nước đến gần chỗ chúng tôi ngồi.

“Em nghĩ… Chết đôi lúc còn có ý nghĩa hơn là sống. Ngày xưa đã có những người hy sinh đấy thôi…”- Niên nói.

“Nhưng sống vẫn hơn”

“Sống mà không có ích thì cũng chả làm gì…”

Tôi nhìn Niên, cô ta vẫn thản nhiên. Tôi nói: “Em có vẻ bất cần đời?”

Niên quay ngoắt lại: “Cần chứ. Chả ai không cần cả. Em cũng như anh thôi. Em cũng sợ bị lây bệnh, bị sida, bị chết vô nghĩa… Nhưng nếu bây giờ bảo em chết vì một ai đó, để cho người ấy sống thì em sẵn sàng…”

“Kể cả đó là một người dưng, không phải người yêu, chồng con, bố mẹ mình ư?”

“Em đã bảo sẵn sàng, thì còn kể gì…”, Niên nói không nhìn tôi, thản nhiên như là chả phải bàn cãi gì. Tôi chợt thấy hơi hổ thẹn. Nhưng tôi đã lộ mặt ra rồi, đành phải đi đến cùng. Tôi nói: “Vậy thì em vì anh đi…”

Niên quay lại: “Vì thế nào?”

Tôi cười. Tự nhiên đến lúc này, tôi lại quên mình là kẻ có bệnh. Có thể là do cảm giác phấn chấn do cuộc chuyện trò với Niên đem lại. Tôi nói vui vẻ: “Vậy thì thế này nhé, anh sắp chết đấy…”

Niên bật cười lảnh lót. Có thể thấy cô ta vui như con trẻ. Cô ta đứng lên, nhưng lại gần tôi hơn: “Anh hãy tập dưỡng sinh đi. Anh sẽ thấy khác. Đầu tiên là bài tập thở. Sau đó nếu anh được xoa bóp, bấm huyệt thì anh sẽ thấy thoải mái ngay…” Cô ta đứng, tay buông xuôi, mắt lim dim, hít thật dài, rồi lại thở ra. Miệng nói: “Thế này… Nguyên tắc là hít vào, giữ, thở ra, giữ. Bốn thì ấy phải có khoảng thời gian bằng nhau. Như nguyên tắc động cơ bốn thì ấy. Anh cứ hít vào thoải mái, phồng bụng cũng được. Anh làm đi…”

Tôi làm theo. Làm theo như là bị thôi miên mới lạ chứ. Rồi bất ngờ, tôi thấy hai bàn tay mềm xoa lấy bả vai mình, xoa lên gáy, lùa vào chân tóc gáy… Đấy là lúc tôi đang lim dim hít vào, giữ, thở ra, giữ… Tôi cảm thấy được bàn tay của cô ta múa may trên bả vai, trên đầu mình, như là đầu óc đang được tháo rời ra, rồi lại được sắp xếp lại. Tôi đang lắng nghe ngôn ngữ của cơ thể tôi mà cô gái này đang đánh thức nó dậy. Có những lúc, đúng là tôi thấy mình như đang trên đỉnh núi, đầu óc nhẹ bẫng, không còn là người nữa, mà là cánh diều không trọng lượng.

Tất nhiên, thời gian ấy trôi qua rất nhanh, tôi vẫn chưa qua cảm giác ngỡ ngàng thì cô ta đã thôi rồi. Tôi sực tỉnh, bảo: “Anh phải đi gặp ông bạn bây giờ”. “Em cũng về đây”. Cô ta bước đi, nhưng lại quay lại: “Anh chả có bệnh gì hết” Tôi vội nói: “Cám ơn em”.

*

Chập tối, tôi mới gặp Phong. Khi tôi lập bập nói nhỏ về bệnh tình thì Phong nói lớn: “Thôi cứ ăn uống đã”. Tôi lấy làm đau khổ phải nói thẳng rằng tôi không thể ăn cơm cùng mọi người được: “Cậu đừng để mình phạm tội nhỡ ra lây bệnh thì khốn”. Phong bảo: “Sống chết có số, đừng lo"

Tôi sốt ruột hỏi ông bác sĩ chữa bệnh gan, Phong cười ầm lên: “Làm quái gì có ông nào… Xin lỗi, xin lỗi là đã bịa ra như thế để kéo ông đến đây chơi. Làm lụng mãi làm quái gì gớm thế. Phải có một lúc ngừng chứ”. Tôi bỗng hơi chán nhưng bật cười. Mình đã ham sống sợ chết đến mức lú lẫn rồi, từ xưa đến nay Phong nổi tiếng là hay đùa, coi trời bằng vung. Nhưng trong chuyện này, do tôi quá lo lắng đến bệnh tật mà tin ngay lời Phong, lặn lội đến đây như một lão già lẩm cẩm.

Đã đến nước này, tôi đành quên mình mà ăn uống say sưa với Phong. Phong uống rượu, tôi không uống. Khi Phong ngà ngà say, gõ đũa vào bát lanh canh hát, tôi không sao hát được như Phong. Chủ quán phục vụ bộ dàn Karaokê đến tận nơi, lại hỏi có gọi em nào không. Phong xua tay, bảo mình là người kinh doanh, mẹ kiếp, lại là thằng cựu chiến binh đi buôn, phải làm cái gì ra cái ấy. Hát là mình hát, nghe hát thì phải nghe ca sĩ chính cống, bọn con gái phục vụ karaoke hát như chó rên, thế mà cũng có thằng nghe.

Gần xong bữa thì Hùng đến. Hùng kêu đói, gọi thức ăn, tôi lại tiếp Hùng, tự thấy lạ là mình ăn ngon đến thế. Khi đã sì sụp ăn uống, Phong bảo: "Ông chẳng bệnh tật gì hết, bệnh gan gì mà vừa ăn xong lại ăn ngon lành thế" Tôi chợt nhớ ra vì sao tôi đến đây. Nếu như vậy thì còn gì bằng. Nếu như vậy, chuyến đi của tôi không phí công.

Hùng bảo: "Chả bù với bố em, bệnh thật sự, nhưng vẫn thích chỉ đạo”.

Hùng cười rất ghê. Tôi không biết phải nói gì nữa. Chỉ biết nghe. “Hồi đầu, em làm ăn gì ông cụ cũng căn vặn, cũng hỏi han. Nếu ông cụ không biết thì cụ rất khó chịu. Sau này, em báo cáo hết, rồi hỏi theo ý bố thì làm thế nào. Hỏi thế thôi cho cụ sướng là cụ đã chỉ đạo, chứ em làm thế nào làm sao cụ biết được”. Tôi nói đưa đẩy, cũng là thật lòng chia sẻ: “Cậu khôn đấy, chứ tớ với bố tớ ngồi với nhau là khó nói chuyện. Sau tớ đưa ra nguyên tắc, khi có việc nhà, cụ bảo gì con làm, ngoài việc họ, việc nhà thì cụ để con làm rồi con báo để cụ biết”. “Cũng lúc đầu, nghe thấy ông cụ bảo mọi người là nhờ có kinh nghiệm quản lý của cụ mà em mới làm ăn được như ngày nay, em nghe thấy chối quá. Nhưng sau nghĩ thôi kệ cụ, mình là con, cụ nói gì chẳng được. Vâng, chúng con xin tiếp thu cái kinh nghiệm quý báu chỉ huy một trăm người trong xưởng của của cụ. A ha... Chỉ huy một trăm con người ở một xưởng thời bao cấp, cuối tuần cắm cờ thi đua đỏ vàng xanh... Có điều, em cương quyết không nhân nhượng việc đối ngoại. Xin cụ cứ để con, cụ đừng xuất hiện. Cái gọi là thương lượng kinh doanh nó có nhiều mánh mung dở người lắm, nhiều khi như là đi câu, như là bắt vía nhau. Lúc thì mang theo một em xinh đẹp, lúc lại phải xách cặp đi một mình, nhưng chớ có cụ. Có cụ là hỏng bét. Cụ nhìn người theo chuẩn mực của cụ. Lúc thì bảo thằng ấy lấc láo, ký làm gì? Ơ hay, lấc láo ở đâu mặc, nó là khách hàng, cụ có nghĩ thế đâu. Có khi cụ bảo, thôi thì bớt cho nó, tao thấy thằng ấy chân phương tử tế... Nhưng nó ra vẻ giả chết bắt quạ, cụ có biết đâu. Cụ chỉ nhìn người theo chuẩn mực thời xưa của cụ. Thôi thôi chịu. A ha, xin cụ để con mới làm ăn được chứ không thì níu kéo nhau mệt lắm”.

Phong bảo: "Bệnh tật là một phần của cuộc sống, vấn đề là thái độ với nó…" Tôi nhớ tới cô gái lúc nãy. Niên hình như cũng nói như vậy. Tôi chống chế: “Mình bệnh tật thế nào chưa rõ, nhưng tốt nhất cũng nên để mọi người khác yêu ổn”. Phong khoát tay, hùng biện: “Sao cậu không đặt vấn đề, cuối cùng thì ai cũng được sống một phần đời, hả. Sự sống đâu phải chỉ là sự ổn định, yên ổn. Cái chết cũng là một phần của sự sống chứ. Nếu cứ tránh sự mất ổn định này, tất cậu sẽ sống cuộc sống ngưng trệ khác" Phong bỗng hạ giọng: “Tớ thấy quý cuộc sống, bởi vì tớ quan niệm, sống một ngày là đac chết một ngày”.

Tôi yên lặng. Tôi đã sống một ngày, và như vậy thời gian sống của tôi đã chết một ngày.

Bỗng Hùng vươn vai: “No quá… A mà này anh ơi, con bé Dung lúc nãy…”. “Dung nào?”; “Con bé đi xe cùng với anh và ông cụ em ấy”. Tôi bảo: “Nó là Niên”. Hùng cười hô hô: “Con này là Dung, có thời rất đắt khách đấy, nhưng nghe nói bây giờ đi làm mát-xa, em cũng đã biết con ấy một lần rồi mà…”

Có thể như vậy lắm chứ… Dung hay Niên?

Hùng ra khỏi nhà hàng trước. Phong trả tiền rồi cùng tôi lững thững đi sau. Tôi và Phong đi dọc bờ biển, từ xa tôi đã nhìn thấy chỗ ghế đá ban chiều tôi và Niên đã chuyện trò. Bây giờ có hai dáng người, một nam một nữ. Nam là Hùng và nữ là Niên. Đến gần tôi mới rõ là hai người đang gầm gừ như hai con gà chọi đang thủ thế. Niên tay lăm lăm cái guốc có đế nhọn hoắt. Hùng ôm đầu. Hùng nói: “Em phải đập cho tan mặt con điếm này. Em chỉ bảo nó đi không”. Niên bổ guốc thẳng cánh vào mặt Hùng, anh ta chống đỡ…

Khi Phong và Hùng đi khỏi rồi, Niên vứt chiếc guốc xuống biển. Tôi ngồi xuống bên cạnh cô ta. Cô ta im lặng, không cả nghe thấy tiếng thở…

Thực ra cô ta là ai? Trong cái thế giới chúng tôi đang sống này, lấy gì làm chuẩn mực để có thể biết cô gái nào đang bán mình, cô gái nào đang vật vã sống hết mình? Tôi có bệnh hay không có bệnh? Liệu tôi có lây sang những người đang sống quanh tôi không?

Tôi và Niên ngồi trước biển đang gầm gào rất ghê gớm.

Tự nhiên tôi bỗng hình dung có một cơn địa chấn, đất dưới chân tôi sẽ lặng lẽ tách ra làm thành đảo nhỏ. Lúc đó chắc tôi sẽ dễ nói ra một điều gì…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3