truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Bảy, tháng 10 08, 2005

Truyện ngắn : Hoa Tre (tiếp theo)

2.

Chúng tôi làm web cho một số công ty, rồi tự tổ chức một trang web của chính công ty mình, mở forum, “choang” vào đó những chủ đề thời thượng, một mặt để giải trí, một mặt cũng là cách làm maketing cho công việc làm ăn của chúng tôi. Chúng tôi nhận được kha khá hợp đồng làm phần mềm và tổ chức mạng máy tính.

Với bố tôi, những hình thù trên màn hình hôm nay của tôi cũng giống những trò chơi điện tử tôi đã say mê năm ngoái, năm kia. Có lẽ vào thời sinh viên của bố tôi, mơ cũng không có được những máy tính mạnh như bây giờ… Tại sao uyên bác như bố tôi lại không nhận thấy thời gian đang làm cho mọi điều biến đổi?

-Vào tuổi của cháu, ông đã đi bộ vượt Trường Sơn, vừa đi vừa đánh biệt kích- Ông tôi tâm sự- Còn ở tuổi của cháu, bố cháu đã đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Bố cháu rất tiến bộ.

-Cháu đang làm việc, cháu cũng đang tiến bộ.

-Cháu đừng ngang ngạnh như thế- Ông lắc đầu- Cháu đã đưa hồ sơ cho chú Phòng chưa?

Tôi bắt đầu buồn chán. Cứ nói đến chủ đề “tiến bộ” là lại thấy buồn chán. Va nhau chan chát. Có ba người đàn ông mà tranh luận mãi không xong. Tiến bộ theo ông và bố tôi, tức là phải thi công chức vào làm chuyên viên Bộ của chú Phòng. Ông ấy là học trò của bố tôi, giờ làm Thứ trưởng. Tôi trực tiếp nghe thấy chú Phòng bảo bố tôi, thày cứ cho cháu vào chỗ em, với năng lực của nó, đặt lên bệ phóng cũng là khách quan, không chiếu cố.

Tôi đã từ chối một bệ phóng để thăng quan tiến chức. Tôi là một đứa con hư hỏng trong con mắt của cả ông và bố. Tiến bộ tức là chỉ có một con đường quan chức. Ô hô…

Hôm ấy, tôi bèn đưa lên trang “Forum” của chúng tôi chủ đề: Bạn nghĩ thế nào là tiến bộ?

Khi tôi đang mở mạng để làm việc này, thì ngoài nhà, bà Nho và ông tôi chuyện trò rủ rỉ rù rì.

-Tôi cứ muốn về đó một lần, cái vườn tre ấy giờ thế nào nhỉ?- tiếng ông.

-Thôi, ông ơi, tôi không muốn nhớ đến cái vườn tre ấy nữa. Giờ đã thành phố xá hết rồi.

-Phố xá thế nào được. Chỗ ấy mấy tay huyện ủy đáng lý phải giữ lại làm bảo tàng chiến tích, có thể làm du lịch.

-Hồi ấy ông chả bỏ chạy khỏi đó còn gì?

-Bà cứ nói thế… Thời thế mà. Chúng tôi chỉ biết sẽ đi vào chiến trường, sao dám làm cho bà khổ?

-Không biết là làm cho nhau cùng khổ cả…

-Cả tiểu đội tôi phải lòng bà, yêu bà, tôi biết làm thế nào?

-Ông rõ chán. Hồi ấy tôi chỉ là một đứa bé con thôi. Các chú bộ đội đến thì ai cũng thích tuốt. Nhưng nhớ ông nhất vì ông đến không giống ai. Ai lại đi từ trên đỉnh núi xuống phía sau nhà bao giờ…

Câu chuyện của ông chắp nối suốt thời niên thiếu, khiến cho tôi có thể dựng lại toàn bộ câu chuyện tình lãng mạn của ông. Không, nói đúng ra thì đó không phải là một câu chuyện tình, vì ông và bà Nho chưa hề yêu đương ước hẹn một ngày nào. Thật chả giống chuyện của bọn tôi, nói yêu nhau sau đó vài tuần không biết hết nhau mọi chuyện thì thật là kỳ khôi. Và khi từ biệt cô nào là đứt đuôi con nòng nọc, có lẽ sau đó không bao giờ nhìn thấy nhau ở trên đời này nữa. Ôi cái thời của ông có hậu như cổ tích. Ôi cái thời của tôi nhanh như điện, tiện như máy tính.

Ông đến ngoại ô thị trấn ấy thì hành quân chiếm lĩnh trận địa trên một đỉnh đồi. Đêm đã khuya, nhìn ra xung quanh chỉ thấy lác đác ánh đèn vàng như đom đóm. Tang tảng sáng, định thần mới thấy dưới chân đồi là một lòng thung rất rộng xanh um màu lá tre, bên kia thung có vài nóc nhà.

Ông và một người lính nữa lần theo sườn đồi xuống thung tre.

Trời ơi sao mà lắm tre. Cả một vườn tre tuyệt đẹp. Miền Bắc lúc đó là chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhưng nông thôn thì vẫn yên bình. Đây là một thị trấn ven sông, gần con đường quốc lộ huyết mạch, dân thị trấn cũng phải đi sơ tán về nông thôn hết cả. Nhưng lọt giữa thị trấn lại có một vườn tre đẹp đến ngạc nhiên.

Hai trinh sát tiếp tục đi sâu xuống lòng thung, hướng về một ngôi nhà tháp thoáng trong xanh êm ấm của rừng tre. Vừa đi được mấy bước chân, hai người gặp một giếng nước trong vắt, một cô bé đứng bên cạnh giếng đang ngơ ngác nhìn lên. Đó chính là bà Nho hơn năm mươi năm trước.

-Cái giếng ấy… hai anh bộ đội đi đến, thản nhiên uống nước ngon lành, tôi sợ quá phải kêu lên, các chú ơi, muốn uống lên nhà cháu…- Tiếng bà Nho nhẩn nha…

-Tôi thấy nước giếng trong văn vắt… Có lẽ nhìn ra nuớc trong vì cái khác…

-Vì gì?

-Vì đôi mắt cô con gái đứng ở đó.

-Ôi cái ông này…

Yên lặng…

Tôi không thể tập trung tư tưởng để làm xong phương án web của tôi, tôi chuyển sang chơi game giải trí, sục vào trang web khiêu dâm thì toàn những cảnh chán phèo, một trăm trang giống nhau cả ngàn. Sao lại có những sở thích vô vị như thế. Tôi hỏi Thành:

-Em sắp cưới chưa? Người yêu…?

-Tuần trước thì có, tuần này thì không-Thành thản nhiên.

-Tuần sau yêu anh nhá?

-Vậy thì tuần sau xem thế nào?-Thành hơi cười- Tuần sau có thể tình hình sẽ khác, sao không hỏi ngay hôm nay?

Tôi cười khì:

-Anh phải bỏ người yêu đã chứ…

Bà Nho kêu lên:

-Cha mẹ ơi, tiên sư cái lũ này, chúng bay nói chuyện gì thế?

Tôi cười, còn Thành không cười gì cả. Có thể đọc thấy trong đôi mắt cô ta có nỗi buồn thất tình thật sự.

-Ông nghe chưa, chúng nó bây giờ thế có chán không?- Bà nói nhỏ nhẹ với ông.

Ông không nói gì, ngồi yên lặng, ông lấy tay lần lần chén nuớc, bà Nho đưa cái cốc nước vào tay ông. Thành nhìn thấy thế, quay đi thở dài, nói khẽ:

-Em đã hỏi bà em, ngày xưa bà yêu ông thế nào, đã có gì chưa, bà em chửi cha mẹ mày, ông ấy cầm tay tao đúng có một lần. Em cứ nghĩ: Thế sao lại yêu nhau lâu bền thế mà không chán. Có lẽ bây giờ yêu nhau lên giường ngay thì chỉ ngắn ngủi thế thôi…

Thành thoắt ngơ ngẩn, hiền hẳn và lạ hẳn. Cô nói buồn:

-Anh cũng như bọn con trai thời nay thôi, anh cũng yêu đương vội vàng rối rít như thế, tính chiến thắng bằng số lượng… Anh thử làm khác đi, như…

-Như ông anh và bà em hả?- Tôi cười ha ha- Thì lại bị cuốn vào giống mọi người, không biết mình rồi.

Cơn buồn bã của Thành bay biến từ lúc nào, cô ta hiện lại là một đứa ăn nói ghê gớm. Chúng tôi cãi nhau ba mươi phút, đến khi bà Nho bảo xuống ăn cơm, hai bên mới tạm lui binh. Bà Nho bảo:

-Bà nghe các cháu nói chuyện, bà thấy rõ là ông bà sắp xuống lỗ rồi.

-Sao vậy hả bà?

-Ngày xưa ông bà chả dám nói chuyện bỗ bã như thế. Có lẽ thời thế nó thế chăng?

-Thế nói thế nào hả bà?

-Nói thế nào… Khó nói lắm- Bà Nho nhẩn nha nói chuyện- Khi ông ra bắc bị thương, lần ấy là ba năm sau nhỉ?

Ông gật:

-Tôi về thung lũng tre nhà bà, chỉ có ông cụ ho húng hắng. Một gian nhà tối om, leo lét một ánh đèn. Cả phố đã đi sơ tán. Ông cụ bảo con bé cũng đi về quê rồi. Tôi thương ông cụ quá… Tôi loanh quanh trong vườn tre, cảnh vật đẹp mà hoang sơ buồn, tôi trở lại tính ở với ông cụ một đêm… Nhưng đến bữa trưa, tôi mới thấy mấy cô dân quân trên núi xuống. Họ đi đúng đường bọn tôi đi hồi xưa ấy. Họ lập trận địa trên đó mà. Các cô ấy xuống nấu nướng, cùng ăn với ông cụ.

-Khi ông đến nơi sơ tán, tôi bất ngờ quá, bỏ chạy ù té… Nghĩ lại thấy mình lúc đó đã mười chín, ở làng thì đã phải lấy chồng, thế mà vẫn trẻ con.

Mười chín tuổi, gần bằng Thành bây giờ. Thế mà Thành đã trải qua mấy mối tình, có bộ óc của một bà già, có trái tim chông gai tua tủa.

Bà Nho nói tiếp:

-Nhưng giá ông đừng về cái đận ấy thì chả phải khổ

-Sau đó thế nào, hả bà?- Thành hỏi.

-Chả thế nào cả, ông ấy ra đi, gửi cho bà một cái thư bảo tôi đi không có ngày về, bà cứ đi lấy chồng đi. Bà đợi đến khi có người ra báo là ông đã hy sinh, khóc hết nước mắt rồi lấy chồng. Năm sau đẻ bác con.

Tôi hỏi bà:

-Ông bà không thành, mới lại làm mối cho bố cháu với mẹ Thành chứ gì?

-Cũng có thế. -Bà cười ngặt- Ông ấy không nói nhưng khi dắt bố cháu đến nhà bà, bảo bà gọi mẹ con Thành lên, thì bà biết ý lắm. Nhưng mà ông trời không chiều lòng. Người ta có duyên số cả.

Tôi cười. Tôi tự nhiên mà cười không che dấu được:

-Bây giờ bà có định làm mối cho cháu và Thành không?

-Cha mẹ nhà các anh chị, ông bà bây giờ có mà mặc xác chúng mày. Đã bảo chúng tao đến thời xuống lỗ rồi.

Trong khi bà cháu Thành sửa soạn về thì bố tôi cũng bước vào nhà. Bố tôi đi thẳng vào phòng tôi:

-Hôm nay bố vừa đưa hồ sơ của con cho chú Phòng rồi đấy.

Tôi ngạc nhiên quá:

-Sao bố lại làm thế?

-A, hóa ra bố không được làm cái gì, hả?- Bố tôi nói sẵng.

Tôi đứng lên, tắt điện nguồn máy tính, tôi cóc cần thoát máy theo kiểu của Bin-ghết nữa, bây giờ tôi đang tức điên lên, tôi nói:

-Bố, con đã lập công ty đang làm ăn tốt

Bố tôi quắc mắt, ho lớn, quát:

-Mày chọn cách làm thuê hả?

-Không, con làm chủ.

Bố tôi cười khẩy, nhưng nét mặt méo mó. Bố tôi rất quý tôi, đứa con trai yêu dấu, ông cười khẩy vào cái công ty của tôi đấy, rồi nói:

-Đồ toi cơm. Đâu là làm thuê, đâu là làm chủ, hả? Bây giờ cứ có chức quyền thì mới làm chủ được.

Bà Nho vội vã vào, nghe thấy hai bố con tôi to tiếng với nhau, bảo:

-Bố con có chuyện gì nhẹ nhàng phân giải xem- Rồi bà gọi ông- Ông ơi, ông vào đây.

Bố tôi rất tức giận và trở lại phòng mình.

Ông tôi bảo:

-Thôi bà yên tâm về đi.

Bà Nho mang túi vào, để trên giá, nói:

-Tôi không về nữa.

Thành cũng xách cặp tài liệu vào phòng tôi, nói:

-Bà không về, em nghỉ ở đây vậy.

Tôi không nói gì, lại bật máy lên. Trình khởi động bị lỗi, vì tôi vừa tắt phụt điện nguồn. Tôi ngồi lặng lẽ ngắm nhìn Window đang sửa lỗi trên màn hình, tâm trạng ủ ê. Nếu không có máy tính, chắc sẽ đơn điệu và buồn chán lắm. Thế giới tôi đang sống thật sự là huyền ảo, bởi chính vì máy tính. Còn là sinh viên, tôi gia nhập câu lạc bộ “hac-kơ” (harker) trên mạng, thao diễn “crack” (bẻ khóa), rồi tôi có thể thò tay đến những chỗ rất xa, những nơi được bảo vệ cẩn mật. Trái đất đối với tôi bé lắm. Một cái bấm chuột là tôi đã đến đầu kia trái đất. Tôi dần dần biết nhiều điều mà người khác không hề biết. Giữ được lương tâm trong khi có thể ăn trộm dễ dàng mà không làm hại người khác thật là chả dễ dàng gì. Thời đại của tôi chắc mới nảy nòi ra những kẻ như tôi.

Thành nói nhỏ, kéo tôi từ thế giới ảo trở về với thế giới thực:

-Anh cứ làm quan chức như bố anh là sướng nhất. Sung sướng mà không phải mang danh ăn cắp bản quyền?

-Cái chết chính là thế, nhầm lẫn các giá trị, có những kẻ ăn trộm tiền thuế mà giàu có lên.

Thanh nhắm mắt, bảo:

-Lao vào con đường làm lụng như anh thì khổ lắm

-Tất nhiên, đã đến lúc nước ta hội nhập, anh mong tất cả đều đàng hoàng không phải ăn trộm nữa.

-Lúc ấy là bao giờ? Đã hết đời anh và em chưa, anh ơi…

Tôi quay lại. Thành đã nằm nhắm mắt trên giường của tôi, gối trên gối của tôi, vươn tay ra trắng ngần khiến tôi thoáng chút xao xuyến. Thành cũng là một phần mềm trời đang cho tôi ư? Tôi chỉ cần đóng cửa phòng, mà cũng có thể không cần đóng cửa phòng, vươn tay ra là có thể… crack được.

Tôi nghe thấy hai ông bà đang rì rầm chuyện ngoài kia.

-Ông cứ mạnh dạn đi mổ mắt đi, chắc là sẽ khá”

-Người ta mổ mắt được, tôi có phải mờ mắt bình thường đâu, tôi bị mảnh đạn văng vào.

-Ông cứ thử đi cho con cháu nó toại nguyện. Với lại, ông bảo ông về Vườn Tre một lần nữa cơ mà?

-Sao bà bảo người ta phá đi làm phố rồi?”

-Tôi bực lên nói vậy thôi. Ông cứ mổ mắt đi, nhìn thấy thì mới về được chứ?

-Năm đó, hoa tre ra, cả đời tôi không bao giờ thấy hoa tre, chỉ duy nhất cái lần ấy

-Ông phải đi mổ mắt thôi.

-…

Tôi ngắm nhìn Thành, Thành lim dim mắt… Tôi đã biết khối đàn bà. Thời cơ như thế này tuyệt vời lắm đấy. Nhưng tôi và Thành có thể là một ca khác. Tôi muốn tôi và Thành phải khác. Tôi đã biết những cuộc tình gấp gáp, quên trời đất rồi chia tay chán chê mỏi mệt. Cuộc sống tình cảm hiện đại hình như cũng cắt khúc những miếng măng chua dầm dấm đựng trong lọ bán ở siêu thị, nó không có cái vị thơm mê như món măng tre lồng ngộc vườn xưa. Tôi cứ ngồi nguyên ở cạnh giường, nhìn Thành liu diu trong giấc mơ gì? Bà bảo ngày xưa ông cũng chỉ cầm tay bà đúng một lần.

Chợt Thành choàng ngồi dậy, nói:

-Chăn gối anh hôi xì như tổ cú.

Tôi giật mình. Thành đã đứng lên, mắt long lanh như mắt cáo. Tôi hơi ân hận. Tôi vươn tay ra lúc nãy thì Thành có kêu hôi không?

(còn 1 kỳ nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3