1. Tôi đến Nha Trang mùa đông, hơn một giờ bay từ Hà Nội lạnh áo đơn áo kép, vào thành phố biển miền Trung nắng vàng đầy gió, như thể trở về với mùa thu Hà Nội. Không có ai tắm biển, sóng chơi đùa với bãi cát nhàn tênh. Không hiểu sao, tôi cứ có cảm giác thành phố như một thiếu nữ dịu dàng đang mơ màng bên bờ biển…
Dịp này, thành phố cao nguyên Đà Lạt đang cận kề ngày kỷ niệm 110 năm, ngoại trừ khách bay nội địa đến thẳng Đà Lạt, còn thì nhiều khách du lịch ở Nha Trang đã tìm cách đến Đà Lạt chỉ với hơn hai trăm cây số đường ô tô. Một số bạn đồng hành với tôi nóng lòng đi Đà Lạt. Với Nha Trang, họ hầu như đã đi hầu hết các đảo, từ bay dù đến lặn biển, từ tắm bùn đến chơi núi… Một người nói với tôi, giờ thì chỉ có một nơi đáng để du lịch mà anh chưa đến. Đó là nơi nào? Anh bảo anh chưa đến bởi vì dù cho nó đã có trên bản đồ du lịch Khánh Hoà, nhưng nó chưa đón khách, mới sắp khánh thành, đấy là điểm lu lịch mang cái tên “Hòn Ngọc Việt” trên đảo Hòn Tre. Hòn Ngọc Việt? Thật là một cái tên mỹ miều. Tôi đã biết khối chuyện làm “nhãn hiệu” rồi, cứ phải tận mắt nhìn thấy mới có thể tin. Đi thuyền chỉ khoảng nửa giờ. Một người khác nói thêm: “Có thể tương lai du lịch Nha Trang sẽ cất cánh hay không phụ thuộc vào cú làm ăn lớn này ở Hòn Tre”.
Tôi nói với họ tôi đến Nha Trang cũng nhiều lần rồi, nhưng lần này muốn đến thăm một nơi? Đó là bảo tàng Yersin ở Nha Trang. Khỏi phải nói, họ trố mắt ngạc nhiên, chắc vì ý thích của tôi gàn dở lắm mới tìm bảo tàng tĩnh lặng và buồn ngắt... Họ còn trẻ, họ háo hức với tương lai. Tôi chưa già lắm, nhưng tôi đã quá nhiều tuổi so với họ, tôi vương vấn về quá khứ. Cái nhà nguyên là nơi thắp đèn biển cổ lỗ ấy là nơi đã sống một con người huyền thoại, đó chính là nơi đã lưu giữ quá khứ của Nha Trang, Đà Lạt… Họ hăm hở đi Đà Lạt, sao họ không biết họ đã đi trên con đường mà Yersin đã từng đi để tìm ra nơi xây nên Đà Lạt, và họ đã bỏ quan một địa danh ở Nha Trang gắn liền với sự khởi nguồn của thành phố cao nguyên kia.
Trong một quyển sách viết về Yersin, hai tác giả Henri H. Mollaret và Jacquelirie Brossollet sau khi nghiên cứu hơn một nghìn lá thư của Yersin, đa số là những lá thư gửi mẹ viết từ Nha Trang, đã mô tả Nha Trang năm 1898 là “một số ngôi nhà nhỏ tại một nơi gọi là “Mũi dân chài”, tại cửa sông trông ra biển đông, trong một vịnh nhỏ”. Tại làng chài ấy, “mỗi sáng, phụ nữ trong làng vội bước thành hàng dài mang những thúng cá tươi đầy ắp vào bán trong thành Khánh Hoà, nơi cư ngụ của những quan chức”. Thuở ấy, theo Yersin kể lại với mẹ mình, chỉ có khoảng hai chục người nước ngoài ở Nha Trang.
Còn Nha Trang của cuối năm 2003 này người nước ngoài hiện diện khắp nơi và họ góp phần làm nên diện mạo của thành phố biển miền Trung này. Một trong những nguyên nhân Yersin đã chọn ở xóm chài nghèo Nha Trang, theo nhiều tác giả phương Tây nghiên cứu tiểu sử của ông, thì ông vốn là một người muốn một sự hạnh phúc cô độc và bởi vì tính nhút nhát của ông không thể hoà hợp với những nguyên tắc sống của xã hội phù hoa, nên ông tìm tự do trong yên ả của một nơi hẻo lánh. Tôi trở ra khỏi “nhà của Yersin” với một chút tự sự khi bắt gặp đường xe và những ô cưả khách sạn lóng lánh: Hỡi ôi, Yersin mà sinh ra ở thời nay ông sẽ tìm chân trời mơ ước ở đâu?
Thứ Hai, tháng 10 10, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét