truyền hình trực tuyến

Xem các kênh truyền hình trực tuyến Việt Namthế giới

Thứ Sáu, tháng 10 07, 2005

Truyện NGẮN : Hoa Tre

1.

-Bao gìơ con mới bớt lêu lổng đi?

Tôi chỉ vào màn hình máy tính, bảo bố:

-Con đang làm việc đấy chứ?

-Con nên thi công chức, đã ra trường rồi không nên bỏ phí thời gian...

Tôi không khoái lắm:

-Từ từ rồi tính, bố ạ.

Nhưng bố tôi đã bỏ về phòng, còn ông tôi thì đã đến từ lúc nào, đang đứng sau tôi. Tôi lầm bầm:

-Năm ngoái bố cháu nói như thế đúng, hôm nay thì không đúng”

Lúc đó tôi đang lần mò trên mạng để tìm chìa khoá một phần mềm làm ảnh động. Mạng Internet là một thế giới kỳ ảo. Có vô vàn khoá, cũng có vô vàn chìa khoá vung vãi ở đâu đó… Tôi bảo ông:

-Cháu là một tên “harker mũ trắng”

-Là sao?

-Là bẻ khóa, ăn trộm

-Thời của ông, nếu mắng nhau là đồ ăn cắp thì tệ hại nhất.- Ông buồn

-Ôi ông… Bẻ khóa mà đội mũ trắng thì có phải là kẻ gian đâu. Trên mạng nhiều đứa như cháu, chỉ là tìm kiếm, khám phá… Như một lữ khách lang bang nhiều khi thấy bất bằng chẳng tha…

Ông thở dài:

-Thời của ông đã qua rồi…

Ông đã nghỉ hưu từ hồi tôi còn bé, rồi mắt ông mờ dần, cho đến khi tôi vào đại học thì ông hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà. Những câu chuyện của ông đã khiến tôi thuộc lòng. Thời của ông người ta ghét cay ghét đắng kẻ trộm. Bởi vì hồi đó hầu như không có kẻ trộm. Làng quê thời xưa của ông, nhà nọ liền nhà kia, chỉ ngăn bằng một hàng rào lửng bằng cây râm bụt, cây ruối… Nhà nhà đêm ngủ không đóng cửa. Nhà nhà chìm dưới màu xanh của rặng tre… Tôi nghe ông kể mãi, thành quen thuộc đến nỗi ký ức của ông truyền sang tôi lúc nào không biết, và nó biến thành mộng tưởng của tôi. Chuyện của ông nhập vào những câu chuyện cổ tích có thần thánh râu trắng, ruộng đồng tinh khôi và con người thì mộc mạc tốt vô cùng. Ôi thời của ông anh hùng lãng mạn. Ôi, thời của tôi kẻ trộm đã quá nhiều… Vào thời của tôi, nội hàm của từ “trộm” hình như đã khác với thời cổ tích của ông. Biến dạng của hành động trộm cũng đã muôn hình muôn vẻ. Ông buồn chỉ vì tôi dám đùa giỡn với một khái niệm bị thời của ông ghét bỏ. Ông không cần biết khi có máy tính, con người ta thay đổi thế nào…

Tôi bảo ông:

-Cháu muốn làm việc của cháu. Lập một công ty, rồi tự tay làm nên…

Ông nhíu mày khiến cho kính trễ xuống, mắt ông kém lắm nhưng vẫn còn trông thấy lờ mờ, chắc ông đang cố gắng hình dung ra tôi thế nào. Còn bố tôi thì lại đã ra khỏi phòng chuẩn bị đi làm, đang hừ hừ ho khúc khắc. Tiếng bố tôi rành rọt:

-Thằng ấy ra trường thi ngay làm chuyên viên, ba năm sau thì lấy bằng thạc sĩ, hai năm tiếp theo xong cái tiến sĩ, ba năm nữa… Vị chi là tám năm sau khi ra trường đã lên Vụ phó ở tuổi ba mấy…

- Sao nghe nói nó học kém hơn cháu?- Ông tôi nói

-Bố nó lại về hưu rồi.- Bố tôi nói

-Cho nên cháu có điều kiện hơn nó- Tiếng ông tôi

-Mỗi người một việc. Sao con lại cứ phải như anh ấy?- Tôi bèn nói.

-Cháu ơi, cuộc đời còn trẻ thì phải phấn đấu, bao giờ cũng phải xông lên hàng đầu.

-Thưa ông, đúng là phải xông lên hàng đầu, nhưng hàng đầu ở đâu ạ?

Bố tôi bắt đầu bực, giọng cứng lên:

-Không cả biết hàng đầu ở đâu? Con nhà hỏng to rồi.

Tôi bắt đầu tính bài chuồn. Bố ít kiên nhẫn, tôi mà nói câu nữa, chắc ăn quát inh ỏi lên ngay. Và sau đó, ông sẽ bảo bố, anh nên ăn nói với con ôn hòa một chút, tôi có bao giờ quát anh như thế đâu. Rồi bố tôi sẽ ậm ừ phân trần rằng “nhưng con có cứng đầu như nó đâu”… Hai người đàn ông bề trên của tôi rất không hợp nhau, nhưng khi nói về tương lai của tôi thì lại nhanh chóng nhất trí với nhau.

Bố tôi thường vắng nhà nhiều ngày. Cuộc đời của bố chính là những chuyến đi. Hồi đầu tiên, bố đi học nước ngoài. Sau đó về nước, dạy trường đại học thì đi công tác liên miên. Đến khi có chức vụ kha khá thì lại thường đi họp. Ông tôi có lúc bảo tôi, cháu phải thông cảm với bố cháu. Tôi biết ông nhìn thấy hình ảnh của ông xưa kia, ông đã đi biền biệt chiến trường, bà nhẫn nại nuôi bố, rồi sau đó nuôi tôi. Còn mẹ tôi thì đã bỏ ra đi từ khi tôi mới lên mười, có lẽ không chịu được cảnh bố tôi cứ đi nước ngoài mãi không về. Mọi người thường bảo tôi giống tính mẹ ngang bướng và quyết liệt. Có phải điều đó khiến cho bố càng xung khắc với tôi.

Tôi lỉnh về phòng riêng, bật máy và bắt tay vào làm việc. Thế giới nhà tôi gồm ba người đàn ông, khi gay cấn không có sự hòa giải của phái nữ, tôi rút ra bài học kinh nghiệm là mỗi khi xung đột, tốt nhất là rút lui bằng cách tự cấm vận, cách ly với phần còn lại của gia đình. Nhưng hôm nay, khi tôi vừa định úp tai nghe lên thì nghe thấy tiếng bà Nho.

-Tôi có cái này mang biếu ông đây- Bà Nho xách một cái làn nặng.

Tôi nhìn thấy Thành lấp ló sau lưng bà. Thành cháu ngoại bà Nho, rất giống bà ở dáng người cao ráo, mắt sáng trong.

Tôi ngồi trong phòng nhìn ra, đằng sau bóng hai người đàn ông, là bóng dáng hai người phụ nữ, chợt căn phòng ngoài ấy rộn ràng và ấm cúng hẳn.

Bà Nho vừa nói, vừa móc trong làn ra những thứ mang biếu ông. Trời ơi, đó là cái măng to tướng, thô lố như cái mũ cối. Tôi chưa nhìn thấy cái măng nào to ụ như thế. Ông đưa tay sờ sờ vào bề mặt xù sì của cái măng đã bóc vỏ, ông nở nụ cười vui vẻ lắm.

-Lồng ngộc hả?- ông hỏi bà.

-Ôi, cái ông này, bây giờ làm gì có lồng ngộc cho ông. Măng trồng công nghiệp nghe nói để xuất khẩu đấy.

-Thế thì ăn ra gì?

-Thời nay có măng của thời nay.

Bố tôi bắt đầu mặc comple, nói:

-Hôm nay hai bà cháu ở đây ăn cơm với ông cháu, con phải đi họp bây giờ.

-Sao anh cứ họp liên miên thế?

Bà Nho nói xong, bố tôi đã bước ra cổng rồi. Ô tô đã lù dù đi đến.

Bố tôi thường không ăn cơm nhà, tôi ăn thế nào cũng xong, nhưng còn ông thì không thể ăn uống thất thường. Bà Nho đi đến nhà tôi phải mất chục nghìn xe ôm, nếu đi xe buyt mất nửa tiếng đồng hồ, đi lại diệu vợi, nhưng ngày nào bà cũng đến một lần.

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giới thiệu blog này với bạn bè

Tên bạn:
Email:
Email bạn bè:
Ghi chú:

Tell a Friend Form Version 3